Quyết định gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng được các đại sứ của 28 quốc gia thành viên EU thông qua trong một cuộc họp ở Brussels – Bỉ. Hãng tin Reuters cho biết trong lần nhóm họp tại Luxembourg vào ngày 22-6 tới, các ngoại trưởng EU dự kiến phê chuẩn quyết định nêu trên mà không cần thảo luận hoặc bỏ phiếu.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu, các đại sứ EU cũng đồng ý gia hạn lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Crimea thêm 1 năm – vốn hết hạn vào ngày 23-6 tới. Giới chức EU đang được yêu cầu bắt đầu tiến trình pháp lý để mở rộng việc đóng băng tài sản hoặc cấm đi lại đối với 150 cá nhân, 37 công ty, tổ chức đến từ Ukraine và Nga, bị cáo buộc phá hoại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine. Các biện pháp trừng phạt với các nhóm đối tượng này sẽ hết hạn vào 15-9 năm nay.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ đáp trả động thái của EU theo kiểu “có qua có lại”. Trong đó, Moscow có thể phản đòn trừng phạt bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây. Hãng tin RIA Novosti cho biết Nga đang chờ quyết định chính thức của EU trước khi đưa ra đối sách của mình.
Giám đốc Công ty dầu mỏ Rosneft Igor Sechin – người cũng thân cận với Tổng thống Vladimir Putin - nhận định bên lề một diễn đàn kinh tế tại TP St Petersburg rằng quyết định gia hạn lệnh trừng phạt của EU sẽ có hại cho cả Nga và EU, đặc biệt là các nhà sản xuất công nghệ mà Moscow đã ký hợp đồng ở châu Âu.
Nga bị EU áp đặt trừng phạt về năng lượng, quốc phòng và tài chính từ tháng 7-2014 trong vòng 1 năm, liên quan tới hành động sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove – Tư lệnh tối cao NATO – hôm 17-6 chỉ trích việc Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố triển khai thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới để bổ sung vào kho vũ khí hạt nhân của mình.
Ông Breedlove nói với Reuters trong chuyến thăm Ba Lan: “Đây không phải là cách hành xử của một quốc gia có trách nhiệm về lĩnh vực hạt nhân”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cáo buộc Nga đang sử dụng hạt nhân để tăng cường khả năng quân sự.
Tại Ba Lan, tướng Breedlove còn thông báo 2 nước Macedonia và Montenegro ở Đông và Đông Nam châu Âu có thể được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Warsaw vào năm tới. Tuy nhiên, Nga phản đối NATO lôi kéo 2 quốc gia này vào cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược, diễn ra từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Bình luận (0)