Tại hội nghị thượng đỉnh EU lần đầu tiên kể từ khi cử tri Anh chọn rời khỏi khối này (gọi tắt là Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân 5 ngày trước đó, các nhà lãnh đạo tập trung bàn về những tác động của Brexit và hướng đi sắp tới của quan hệ Anh - EU bên cạnh những vấn đề nóng khác như chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng di cư... Tuy nhiên, ông Cameron sẽ không tham gia cuộc gặp với các nhà lãnh đạo EU trong ngày làm việc tiếp theo của hội nghị.
Phát biểu trước thềm hội nghị, ông Cameron nhấn mạnh Anh sẽ duy trì mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ nhất có thể với EU. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này bác bỏ khả năng tiến hành cuộc trưng cầu ý dân thứ hai bất chấp lời kêu gọi của một kiến nghị trực tuyến thu hút được hơn 3 triệu chữ ký.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đón Thủ tướng Anh David Cameron (trái) tại thủ đô Brussels – Bỉ hôm 28-6 Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý khẳng định sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán “chính thức hoặc không chính thức” nào diễn ra cho đến khi London kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình ra đi. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng ra lệnh cấm bất kỳ cuộc thương thảo “ngoài luồng” và “bí mật” nào về Brexit cho đến khi điều khoản 50 được kích hoạt - điều ông hy vọng diễn ra càng sớm càng tốt.
Ít kiên nhẫn hơn, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nói với tờ Bild am Sonntag (Đức) rằng ông muốn Thủ tướng Cameron làm thế khi tham dự hội nghị ngày 28-6. Tuy nhiên, những sức ép trên của EU xem ra khó có tác dụng. Nhà lãnh đạo Anh trước đó tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 và “chuyền quả banh” Brexit đến chân người kế nhiệm. Tiến trình Brexit thậm chí có thể còn bị trì hoãn lâu hơn nữa nếu ý kiến của Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt được lắng nghe. Ông này là thành viên nội các đầu tiên kêu gọi trưng cầu ý dân thứ hai về những điều khoản của Brexit.
Bộ trưởng Hunt, người cho biết đang cân nhắc ra tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ, cũng cho rằng tiến trình ra đi chỉ nên được khởi động gần thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Anh - dự kiến là năm 2020. Theo đài BBC, điều này có nghĩa thời điểm Anh rời EU có thể bị trì hoãn đến năm 2022.
Bình luận (0)