Phát biểu tại một cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu Clingendael (Hà Lan) tổ chức mới đây, ông Jonathan Hatwell - người đứng đầu bộ phận về Trung Quốc tại Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, cho biết EU sẽ dành khoản tiền 9 tỉ euro cho khu vực đang ngày càng được xem là chiến trường giữa EU và Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, EU có thể cung cấp bảo lãnh lên tới 20 tỉ euro trong thập kỷ tới để giúp giảm chi phí tài chính cho cả đầu tư công và tư, cũng như giảm rủi ro cho các nhà đầu tư ở khu vực Tây Balkan.
Đây là một phần nỗ lực của Brussels nhằm đối phó với các khoản đầu tư vào hạ tầng tại khu vực trên của Trung Quốc.
Lãnh đạo các nước khu vực Tây Balkan tại một hội nghị vào tháng 12-2019 Ảnh: Reuters
Theo ông Jonathan Hatwell, mối bận tâm của EU về các khoản đầu tư của Bắc Kinh tập trung vào tính bền vững về kinh tế - xã hội và tài chính, tiêu chuẩn môi trường, vấn đề nợ và khả năng chuyển giao tài sản chiến lược.
"Nỗi lo đang tăng đối với khu vực này là sự tác động lẫn nhau giữa các khoản đầu tư không phải lúc nào cũng minh bạch của Trung Quốc và khuôn khổ định chế chưa được mạnh mẽ (ở Tây Balkan)" - ông Hatwell nhận định. Ngoài ra, quan chức này nhấn mạnh rằng EU sẽ cần tăng cường giao tiếp với cả khu vực Tây Balkan.
Tuy nhiên, ông Hatwell nói thêm rằng nếu Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận với Tây Balkan, EU có thể xem xét chuyện hợp tác với Bắc Kinh trong các dự án phát triển tại đó.
Nằm ở cửa ngõ của EU, 6 quốc gia ở khu vực Tây Balkan (Albania, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia, Kosovo, Montenegro, Serbia) luôn nằm trong tầm ngắm của EU vì các nước này có tiềm năng trở thành ứng viên gia nhập khối trong tương lai.
Trong số này, Bắc Macedonia và Albania được bật đèn xanh để khởi động tiến trình đàm phán về việc gia nhập EU. Serbia và Montenegro đã bắt đầu đàm phán về một số nội dung của thỏa thuận cuối cùng.
Việc Trung Quốc tăng cường tiếp cận đối với một số nước ở Tây Balkan khiến EU không khỏi lo ngại.
Sau khi Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev cảm ơn người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường vì đã giúp hiện đại hóa đất nước ông vào năm 2018, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thắc mắc về chuyện này.
"Tôi không phản đối thực tế là Trung Quốc muốn giao thương... và đầu tư. Câu hỏi đặt ra là… các mối quan hệ kinh tế (của Trung Quốc) có bị liên kết với các vấn đề chính trị hay không?" - bà Merkel nói.
Bình luận (0)