Tổng thống Obama tuyên bố Washington ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin có cách giải quyết khác nếu không muốn phải "trả giá".
Khẳng định việc Nga ủng hộ bán đảo tự trị Crimea sáp nhập là vi phạm luật pháp quốc tế, ông Obama cam kết với ông Yatsenyuk: “Chúng tôi sẵn sàng sát cánh với Ukraine”.
Được Mỹ đón tiếp theo nghi thức dành cho lãnh đạo nước ngoài, Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk cũng khẳng định chính phủ của ông sẽ “không bao giờ đầu hàng” trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, song cũng muốn là một đối tác tốt của Nga và sẵn sàng đàm phán với Moscow.
Cũng trong ngày 12-3, Nhà Trắng ra tuyên bố chung của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hối thúc Nga ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về quy chế đối với Crimea.
Tuyên bố chung do Văn phòng Báo chí Nhà Trắng công bố nhấn mạnh 7 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, Canada cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi Liên bang Nga ngừng ủng hộ các nỗ lực thay đổi quy chế của Crimea trái với luật pháp của Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuyên bố chung cảnh báo Nga về khả năng G7 sẽ hoãn việc chuẩn bị cho các hoạt động liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh G8 (gồm G7 và Nga) tại Sochi vào tháng 6 tới nếu Moscow không chấm dứt các hành động tại Ukraine.
Trong khi đó, theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) hôm 12-3 đã đồng thuận về khung trừng phạt đầu tiên với Nga kể từ thời chiến tranh lạnh, theo đó sẽ cấm đi lại và phong tỏa tài sản của những cá nhân và công ty xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng ngày 17-3 nếu không có tiến triển về ngoại giao.
Các biện pháp trừng phạt của EU tương tự của Washington song sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều vì châu Âu là khách hàng mua dầu và khí đốt của Nga lớn nhất. Năm 2012, giá trị giao dịch thương mại của EU với Nga là 465 tỉ USD, gấp 10 lần giao thương Nga – Mỹ.
Lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản cũng có thể “trục xuất” giới nhà giàu Nga ra khỏi các thành phố châu Âu, nơi họ xem là ngôi nhà thứ hai, cũng như ra khỏi các ngân hàng châu Âu đang giữ tiền cho họ.
Bình luận (0)