Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết EU đã chính thức thông qua quyết định trên bằng văn bản. Gói trừng phạt nhằm vào Nga công bố hồi tháng 7 sẽ được mở rộng, trong đó có đề xuất cấm các khoản cho vay và tài trợ từ các thành viên EU đối với một số công ty năng lượng lớn của Nga - bao gồm Rosneft, Transneft và Gazprom Neft.
Trước đó, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Wales – Anh hôm 5-9, các lãnh đạo EU khẳng định đã thống nhất về gói trừng phạt mới, nguyên nhân chính vẫn liên quan đến cáo buộc Moscow cung cấp vũ khí và gửi hàng ngàn binh lính sang miền Đông nước láng giềng.
Ngoài ra, EU tuyên bố các biện pháp trừng phạt có thể bị đình chỉ nếu Nga tuân thủ triệt để thỏa thuận ngừng bắn và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Gói trừng phạt dự kiến được công bố hôm 5-9 nhưng sau đó tạm hoãn khi thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở Ukraine.
Tại Moscow, Bộ Ngoại giao Nga đe dọa sẽ “phản ứng” một khi gói trừng phạt mới được EU áp đặt. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói với nhật báo Vedomosti hôm 8-9 rằng các hãng hàng không phương Tây có thể bị cấm vào không phận Nga “nếu thực hiện những biện pháp trừng phạt liên quan đến lĩnh vực năng lượng hoặc bất kỳ hạn chế nào về lĩnh vực tài chính của Nga”.
Việc phê chuẩn lệnh trừng phạt sẽ tự động diễn ra nếu không có thành viên EU nào phản đối. Tuy nhiên, có thông tin Phần Lan là thành viên duy nhất không chấp nhận quyết định của EU.
Cùng ngày 8-9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đến thăm TP cảng chiến lược Mariupol đang bị phiến quân ly khai vây hãm. Ông Poroshenko hạ lệnh cho quân chính phủ củng cố lực lượng bằng xe tăng , bệ phóng rốc-két và phòng không.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng thông báo quân ly khai thân Nga đã thả 1.200 binh sĩ Kiev, nằm trong một phần thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, 863 binh sĩ Ukraine vẫn đang bị giam giữ và Kiev đang nỗ lực để thả tự do cho những người này.
Tổng thống Thụy Sĩ, đồng thời là Chủ tịch luân phiên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Didier Burkhalter hôm 8-9 nhận định thỏa thuận ngừng bắn là không đủ để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Ông nói: “Chúng ta cần một tiến trình chính trị, đối thoại quốc gia và đối thoại giữa hai tổng thống”.
Hơn 3.000 người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng Ukraine
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Thường trực của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở thủ đô Vienna (Áo) hôm 8-9, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách nhân quyền - Ivan Šimonović cho biết số người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã vượt quá con số 3.000
nếu tính cả 298 nạn nhân vụ rơi máy bay MH17. Ông này cũng cảnh báo số người tử nạn tại khu vực phía Đông Ukraine đang có chiều hướng gia tăng và con số 3.000 người nói trên nhiều có thể vẫn chưa là con số thống kê đầy đủ!
Bình luận (0)