EC ngày 19-5 đề xuất khoản vay trị giá 9 tỉ euro (9,5 tỉ USD) cho Ukraine để giúp quốc gia này duy trì hoạt động trong lúc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn. Ngoài ra, EC còn muốn thiết lập một cơ chế hỗ trợ Ukraine tái thiết sau chiến tranh.
"Các luật sư của chúng tôi đang làm việc để tìm ra biện pháp khả thi trong vấn đề sử dụng tài sản bị đóng băng của các nhà tài phiệt Nga để tái thiết Ukraine. Tôi nghĩ Nga cũng nên đóng góp" - Chủ tịch von der Leyen nói với kênh truyền hình ZDF, đồng thời cho biết bà ủng hộ việc kết hợp quá trình tái thiết Ukraine lâu dài với những cải cách cần thiết để quốc gia này gia nhập EU.
Trong khi người dân Ukraine nhìn thấy tương lai của họ trong EU, Ukraine vẫn cần đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định liên quan đến luật pháp, kinh tế và chính trị để gia nhập tổ chức này.
"Quá trình đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và hành động của ứng viên. Ukraine muốn gia nhập EU bằng mọi giá, đồng nghĩa họ có động lực to lớn để tiến hành những cải cách cần thiết" - Chủ tịch von der Leyen khẳng định, theo Reuters.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 19-5, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ gần 40 tỉ USD dành cho Ukraine, với tỉ lệ phiếu thuận - chống là 86-11. Đến nay, đây là gói viện trợ lớn nhất mà Washington dành cho Kiev.
Trước đó, ngày 10-5, gói viện trợ này cũng đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Hiện tại, theo Reuters, gói viện trợ đã được trình lên Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật giữa lúc Washington tăng tốc viện trợ vũ khí và khí tài cho Kiev.
Đợt viện trợ này bao gồm 6 tỉ USD hỗ trợ an ninh; 8,7 tỉ USD thiết bị quân sự cùng 3,9 tỉ USD dành cho các hoạt động của Bộ Tư lệnh Châu Âu. Gói viện trợ còn bao gồm 5 tỉ USD giải quyết bất ổn an ninh lương thực toàn cầu vì xung đột Nga - Ukraine, bên cạnh gần 9 tỉ USD quỹ hỗ trợ kinh tế Ukraine…
Ký ban hành gói viện trợ mới, Tổng thống Joe Biden sẽ nâng tổng viện trợ Mỹ dành cho Ukraine kể từ xung đột Nga - Ukraine lên hơn 50 tỉ USD.
Bình luận (0)