xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

EU trừng phạt kinh tế Nga

LỤC SAN

Moscow tuyên bố trừng phạt kinh tế không thể buộc Nga ngừng thực hiện các chính sách chính đáng và hợp pháp

Ủy ban đại diện thường trực các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ngày 29-7 (giờ Brussels) đã thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng.

Công ty Nga mất 744 tỉ euro

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), ông Jonathan Todd, cho biết thỏa thuận trừng phạt Nga sẽ có hiệu lực sau khi được Hội đồng EU thông qua và công bố trong bản tin chính thức của EU vào chiều 30-7.

Trước đó, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý, Anh và Mỹ đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga hôm 28-7 với cáo buộc Moscow không chấm dứt trợ giúp - kể cả cung cấp vũ khí - cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine.

 

Nga có thể cấm nhập khẩu trái cây từ châu ÂuẢnh: AGREGATOR.PRO

Nga có thể cấm nhập khẩu trái cây từ châu Âu

Ảnh: AGREGATOR.PRO

 

Đây là lần đầu tiên EU áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực kinh tế then chốt của Nga từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Bất chấp sức ép từ Mỹ, EU lâu nay không dám “mạnh tay” với Nga do lo ngại các quốc gia trong liên minh gánh chịu thiệt hại.

Theo tính toán của EC, Nga sẽ tổn thất khoảng 100 tỉ euro trong 2 năm 2014 và 2015 khi bị EU trừng phạt kinh tế. Báo EUobserver trích dẫn nguồn tin từ EC xác nhận lệnh trừng phạt mới của EU sẽ khiến Nga thiệt hại 23 tỉ euro trong năm nay (1,5% GDP nước này) và 75 tỉ euro vào năm 2015 (4,8% GDP). Trong khi đó, báo The Economist dự đoán các công ty Nga có thể thiệt hại lên đến 744 tỉ euro.

Thêm vào đó, phó cố vấn an ninh Nhà Trắng Tony Blinken thông báo trong tuần này, Mỹ có thể theo chân EU siết chặt trừng phạt Nga. Ông Blinken tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thua trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo ông, khủng hoảng của láng giềng không chỉ là thất bại về chiến lược đối với Moscow mà còn đẩy kinh tế Nga vào chỗ suy sụp kể từ khi sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm nay chỉ ở mức 0,3% do tác động của lệnh trừng phạt, so với 1,3% của năm ngoái.

EU cũng “đau”

Tuy nhiên, chính quyền Nga vẫn tuyên bố trừng phạt kinh tế không thể buộc Moscow ngừng thực hiện các chính sách mà nước này cho là chính đáng và hợp pháp.

Theo hãng tin RIA Novosti, đến cuối tuần này, Cơ quan Giám sát thú y và Kiểm dịch thực vật Nga có thể quyết định cấm nhập khẩu trái cây từ các nước châu Âu. Từ đó, châu Âu có thể thiệt hại ngay lập tức 1,8 tỉ USD, còn Nga thiếu một loạt mặt hàng trái cây, khiến giá cả leo thang.

Ông Alexei Alexeyenko, trợ lý giám đốc cơ quan nêu trên, nhấn mạnh các biện pháp có thể được áp dụng đối với EU nói chung cũng như với từng quốc gia riêng rẽ. Khu vực có nguy cơ cao nhất là Đông Âu.

Vẫn theo EUobserver, EC dự kiến EU sẽ thiệt hại 40 tỉ euro (0,3% GDP) trong năm nay và 50 tỉ euro (0,4% GDP) năm 2015 khi Nga trả đũa bằng lệnh cấm giao thương với các quốc gia liên minh.

Ngoài ra, Ủy ban Về quan hệ kinh tế Đông Âu ước tính lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga sẽ đe dọa đến 350.000 việc làm của người Đức vốn phụ thuộc trực tiếp vào quan hệ thương mại Đức - Nga.

Về phần mình, Hiệp hội Liên bang các phòng thương mại công nghiệp Đức (DIHK) thông báo sự sụt giảm lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga, đồng thời lo ngại các đối tác Nga sẽ ngừng hợp tác với Đức. Theo dữ liệu đăng trên báo Handelsblatt ngày 29-7, xuất khẩu từ Đức vào Nga trong năm 2014 có thể giảm ít nhất 17%, tương đương 6 tỉ euro.

 

Dân Nga không ngán

Theo Interfax, kết quả cuộc thăm dò do Trung tâm Levada (Nga) tiến hành từ ngày 18 đến 21-7 cho thấy 61% người Nga được hỏi khẳng định họ không lo lắng về lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi chỉ 36% thừa nhận có cảm giác này. Hơn nữa, các nhà xã hội học lưu ý sự lo ngại của dân Nga liên quan đến lệnh trừng phạt đang giảm xuống. Hồi đầu tháng 3 năm nay, khi phương Tây chỉ mới có ý định áp đặt lệnh trừng phạt, 53% người Nga đã tỏ ra lo lắng nhưng đến tháng 4 chỉ còn 42%.

Người dân Nga cũng không quá e ngại nguy cơ nước mình bị quốc tế cô lập. 58% người được hỏi không nao núng về vấn đề này so với 39% hồi tháng 3 và 55% vào tháng 4.

 

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước hạt nhân

Một dấu hiệu nữa cho thấy quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Nga: Washington ngày 28-7 tuyên bố Moscow vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (IRNF) và kêu gọi đàm phán song phương tức thì.

Báo Mỹ The New York Times hồi tháng 1-2014 cho biết giới chức Mỹ đã thông báo cho các đồng minh NATO về việc Nga thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, làm dấy lên lo ngại nước này vi phạm IRNF. Thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Barack Obama chưa sẵn sàng tuyên bố đây là sự vi phạm đối với hiệp ước nhưng tình thế đã thay đổi trong mấy tháng gần đây.

Cũng theo The New York Times, Lầu Năm Góc và tình báo Mỹ đang xây dựng kế hoạch cung cấp vị trí các tên lửa đất đối không của lực lượng ly khai cho quân đội Ukraine tiêu diệt. Theo tiết lộ của các quan chức Mỹ, đề nghị này vẫn chưa được thảo luận tại Nhà Trắng và chưa rõ Tổng thống Barack Obama có chấp thuận hay không. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Ngoại trưởng John Kerry ngày 27-7 đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch nêu trên.

Gia Hòa

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo