Chính phủ Anh hôm 6-4 đã thông báo chi hơn 9,3 triệu bảng cho việc phát hành tài liệu gửi đến 27 triệu hộ gia đình khắp cả nước, cảnh báo về những nguy cơ nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit (được ghép từ 2 chữ “Britain - nước Anh” và “Exit - ra khỏi”). Tài liệu cũng giải thích vì sao việc ở lại EU sẽ giúp Anh bảo đảm an ninh kinh tế, hòa bình và ổn định.
Ngược lại, theo tài liệu, Brexit sẽ tạo ra cú sốc về kinh tế, gây áp lực đối với giá trị đồng bảng Anh khiến giá cả một số mặt hàng gia dụng có thể tăng lên.
Phe ủng hộ Brexit lập tức phản đối bước đi trên vì cho rằng chính phủ đã vi phạm lời hứa hồi năm ngoái về việc không phát hành tài liệu đến tận nhà dân. Theo báo The Telegraph, Thị trưởng London Boris Johnson và những bộ trưởng “không ưa” EU cáo buộc chính phủ phí phạm tiền công để hù dọa dân chúng trước khi cuộc trưng cầu ý dân về chuyện đi hay ở dự kiến diễn ra vào ngày 23-6 tới. Chiêu này cũng bị xem là giúp Thủ tướng Anh David Cameron chiếm ưu thế trong quá trình vận động nước Anh ở lại EU.
Ngoài ra, phe của Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove cáo buộc chính phủ Anh đưa ra thông báo về tài liệu trên nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những cáo buộc về thuế liên quan đến ông Cameron mà “Hồ sơ Panama” - số tài liệu rò rỉ từ Công ty Luật Mossack Fonseca (Panama) - đề cập.
Biện hộ cho quyết định của chính phủ, Bộ trưởng Môi trường Anh Liz Truss nhấn mạnh: “Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là quyết sách to lớn đối với đất nước và có lẽ là lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Do đó, công chúng phải có được thông tin rõ ràng. Một cuộc thăm dò độc lập cho thấy 85% dân chúng muốn chính phủ cung cấp thông tin nhiều hơn để có thể ra quyết định đúng đắn”.
Trong diễn biến cho thấy vấn đề Brexit đang gây chia rẽ sâu sắc nước Anh, kênh Sky News đưa tin Nghiệp đoàn Đường sắt, Hàng hải và Vận tải (RMT), một nghiệp đoàn hàng đầu, đã thúc giục thành viên bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU. Theo RMT, làm vậy sẽ ngăn chặn “các vụ tấn công” nhằm vào những quyền lợi của nghiệp đoàn, vấn đề thương lượng tập thể, bảo vệ việc làm và lương bổng.
Theo tờ The Guardian, kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ cũng như 2 vụ tấn công khủng bố ở 2 thủ đô Paris - Pháp và Brussels - Bỉ gần đây, sự ủng hộ dành cho Brexit đang tăng ở Anh.
Các chuyên gia cũng có ý kiến khác nhau về tác động của Brexit đối với kinh tế Anh. Theo website CNA Finance, các nhà phân tích tại Công ty Dịch vụ Tài chính đa quốc gia Credit Suisse dự báo Brexit sẽ làm giảm tổng sản phẩm nội địa (GDP) 2%. Trong khi đó, Liên minh Công nghiệp Anh (CBI) cho rằng 1 triệu việc làm sẽ bị mất còn nước Anh thiệt hại 100 tỉ bảng vì Brexit.
“Nếu Brexit xảy ra, tình trạng suy thoái kinh tế sâu và khủng hoảng tài chính là khó tránh” - ông Willem Buiter, trưởng nhóm kinh tế gia toàn cầu tại Tập đoàn Citigroup, dự đoán. Trái lại, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s tin rằng mức độ ảnh hưởng của Brexit sẽ nhỏ và không gây ra thiệt hại lớn.
Nếu cử tri Anh ủng hộ chia tay EU, kinh tế trên toàn cầu sẽ bị tác động mạnh mẽ. Khi đó, sức ép đè nặng lên đồng euro và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tương lai và sự ổn định của đồng euro càng trở nên quan trọng bởi nhiều người Pháp cũng đòi rời khỏi EU (gọi là Frexit). Một cuộc nghiên cứu của Trường ĐH Edinburgh (Anh) cho thấy 53% người Pháp muốn tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU.
Tại Tây Ban Nha, Đức và Thụy Điển, số người ủng hộ tiến hành bỏ phiếu cũng nhiều hơn số người phản đối. Theo nghiên cứu, trong trường hợp Pháp và Thụy Điển tổ chức trưng cầu ý dân, chưa đến 50% người được hỏi bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU. Tuy nhiên, với 2 nước Đức và Tây Ban Nha, cuộc nghiên cứu lại ghi nhận kết quả ngược lại.
Bình luận (0)