Tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Eurozone diễn ra hôm 12-7, Thủ tướng Hy lạp Alexis Tsipras được yêu cầu thúc giục quốc hội thông qua việc thực thi một số cải cách quan trọng về kinh tế để thuyết phục 18 đối tác Eurozone giải ngân ngay lập tức, từ đó ngăn Athens bị vỡ nợ.
Động thái này cũng giúp khởi động các cuộc đàm phán về gói cứu trợ tài chính thứ ba có giá trị ước tính lên tới 86 tỉ euro.
Theo dự thảo đề xuất của nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone, 6 biện pháp cải cách cấp thiết, trong đó có cải cách thuế và lương hưu, phải được Hy Lạp ban hành vào tối 15-7 (giờ địa phương). Những biện pháp còn lại cần được quốc hội thông qua ngay trước khi bắt đầu cuộc đàm phán.
Văn kiện này còn bao gồm đề xuất của Đức (quốc gia đóng góp nhiều nhất cho các gói cứu trợ của Eurozone), theo đó Hy Lạp ra phải tạm rời khỏi Eurozone trong 5 năm nếu không đáp ứng được các điều kiện của chủ nợ. Tuy nhiên, một số thành viên Eurozone phản đối đề xuất này.
Quốc hội Đức được cho là sẽ ủy thác Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble mở cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới vào ngày 16-7 trong trường hợp Hy Lạp chấp thuận ban hành cải cách. Sau đó, các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 17-7 hoặc cuối tuần này để chính thức khởi động các cuộc đàm phán.
Dự thảo của Eurozone cũng cho biết Hy Lạp cần số tiền 7 tỉ euro chậm nhất tới ngày 20-7 để trả nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đến giữa tháng 8, Athens cần thêm 12 tỉ euro để thanh toán một khoản nợ khác của ECB.
Một quan chức Hy Lạp cho rằng Eurozone đòi hỏi mọi biện pháp cải cách vào giờ chót không khác nào “chèn ép” Athens. Một số nhà lập pháp trong đảng Syriza cánh tả của Thủ tướng Tsipras cũng bày tỏ tức giận vì Hy Lạp “đang bị các nước châu Âu làm nhục”.
Bình luận (0)