Việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone) có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và khối sử dụng đồng euro bị thiệt hại hàng trăm tỉ euro. Chính gánh nặng mà các nước thuộc eurozone có thể phải gánh chịu tạo cho họ động cơ mạnh mẽ để giữ Hy Lạp ở lại.
Thiệt hại 2% - 3% GDP
ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước eurozone hiện đang nắm giữ khoảng 200 tỉ euro nợ của Hy Lạp. Andrew Bosomworth, Giám đốc cấp cao tại Công ty Quản lý tài sản Pimco, nhận định: “Trong trường hợp rời khỏi eurozone, Hy Lạp sẽ tuyên bố vỡ nợ. Và mức độ thiệt hại do tình trạng phá sản này có lẽ sẽ rất lớn có thể làm tiêu tan vốn của ECB”.
“Để ổn định hệ thống, có thể cần đến sự can thiệp quy mô rộng lớn của ECB cùng với sự can thiệp của Đức, Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) và IMF với hàng trăm tỉ euro” - nhà chiến lược đầu tư Georgios Tsapouris, Công ty Dịch vụ ngân hàng tư nhân và quản lý tài sản Coutts, dự báo.
Riêng công trình nghiên cứu của Trường Quản lý IESEG ở Lille (Pháp) cho thấy việc Hy Lạp rời khỏi eurozone có thể khiến nước Pháp thiệt hại đến 66,4 tỉ euro và hệ thống ngân hàng nước này bị mất khoản nợ 20 tỉ euro. Các nước nhỏ hơn có ngân hàng trung ương ít vững chắc có thể nhận lãnh những hậu quả còn nặng nề hơn.
Nguy cơ tan rã eurozone
Theo hãng tin AP, các nhà lãnh đạo châu Âu khăng khăng rằng họ muốn giữ Hy Lạp ở lại eurozone. Bản thân Hy Lạp cũng có nguyện vọng ở lại eurozone. Trong khi đó, trong 17 quốc gia sử dụng đồng euro, có 7 nước đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất là nếu Hy Lạp không thể ở lại eurozone thì các nền kinh tế lớn hơn trong khối có thể sẽ đối mặt với số phận tương tự. Khối tiền tệ này có thể sẽ bị rạn nứt sâu sắc hơn và các nước thành viên khác đang bị khủng hoảng nợ - như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - cũng có thể trở thành nạn nhân tiếp theo, làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Dariusz Kowalczyk, kinh tế gia cấp cao tại Ngân hàng Doanh nghiệp và Đầu tư Credit Agricole ở Hồng Kông, nhận định: “Sự tan rã của eurozone sẽ là một thảm họa. Hy Lạp có thể rời khỏi eurozone và các nước khác cũng có thể làm điều tương tự. Đó sẽ là một cơn sóng thần khổng lồ về tài chính. Châu Âu chưa nỗ lực đủ để tìm ra giải pháp ngăn chặn nguy cơ này và thị trường có thể không chờ đợi họ được”.
4 ngân hàng được bơm 18 tỉ euro Theo hãng tin Reuters, Hy Lạp đã bơm 18 tỉ euro cho 4 ngân hàng lớn nhất nước này, đó là National Bank, Alpha, Eurobank và Piraeus Bank, thông qua trái phiếu của Cơ sở Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF). Động thái này sẽ tăng cường nguồn vốn gần như kiệt quệ của các ngân hàng nói trên.
Bộ Tài chính Hy Lạp ra tuyên bố nêu rõ: “Việc bơm vốn sẽ phục hồi mức độ vốn tương xứng của các ngân hàng này và bảo đảm cho họ được tiếp cận với nguồn tài trợ của ECB và hệ thống đồng euro”. |
Bình luận (0)