Ủy ban phối hợp các nghiệp đoàn trong lĩnh vực truyền thông đại chúng Hy Lạp cho biết trong khi tình trạng suy sụp tài chính vẫn tiếp diễn, giới truyền thông nước này sáng 28-5 đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài 24 giờ. Trong khi đó, cựu thủ tướng Lucas Papademos lên tiếng cảnh báo tài chính công của Hy Lạp có thể sẽ sụp đổ vào đầu tháng tới.
Đòi ký hợp đồng tập thể
Hãng tin AP cho biết các nhà báo Hy Lạp tham gia đình công để phản đối việc cắt giảm lương và tình trạng thất nghiệp tăng cao. Các kênh truyền hình và các đài phát thanh Hy Lạp đã đình chỉ phát sóng tin thời sự lúc 6 giờ ngày 28-5 (giờ địa phương) trong khi các website tin tức không cập nhật nội dung như thường lệ. Ngoài ra, Hãng Thông tấn Athens cũng ngưng hoạt động và không có tờ nhật báo nào xuất bản ngày 29-5.
kỷ niệm một năm phong trào chống thắt lưng buộc bụng. Ảnh: CNN
Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), các nhà báo Hy Lạp đang yêu cầu giới chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng tập thể với họ. Họ cho rằng như thế sẽ bảo đảm cho họ khoản thu nhập tốt hơn so với việc ký các hợp đồng cá nhân.
Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hai năm rưỡi ở Hy Lạp đã ảnh hưởng mạnh đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành truyền thông và các thị trường quảng cáo. Thực trạng trên đã buộc nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh và tờ báo hàng đầu ở nước này phải đóng cửa. Những cơ quan truyền thông còn lại hiện đang phải vất vả đấu tranh để tồn tại với khoản lợi tức giảm sút mạnh.
Nguy cơ tài chính công sụp đổ
Trong khi đó, cựu thủ tướng Lucas Papademos, người đã rời khỏi chức vụ sau cuộc bầu cử vào đầu tháng này, lên tiếng cảnh báo rằng tài chính công của Hy Lạp có thể sẽ sụp đổ sớm nhất là trong tháng 6 trừ phi nước này thành lập được một chính phủ ổn định từ cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 17-6. Theo báo Financial Times, ông Papademos còn cảnh báo rằng tình hình đang xấu đi nhanh hơn dự kiến.
Nỗi lo ngại Hy Lạp đang đi theo hướng mất ổn định về chính trị hơn nữa và có nguy cơ rời khỏi khu vực đồng euro đã khiến nhiều người dân nước này trì hoãn việc nộp thuế. Đồng thời, nhiều người đã gia tăng rút tiền tiết kiệm ra khỏi các ngân hàng địa phương. Các nhà hoạt động ngân hàng Athens ước tính đã có hơn 3 tỉ euro tiền mặt được rút ra kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử ngày 6-5 vừa qua.
Người dân Hy Lạp hiện đã cảm nhận được tác động của những vấn đề tài chính của đất nước. Bộ Tài chính đã ngưng việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các nhà báo Hy Lạp và đã cắt giảm khoản chi đầu tư công hơn 20% trong 4 tháng đầu năm nay. Thêm vào đó, các khoản tiền chuyển sang Bộ Y tế để trả nợ cho các nhà cung cấp vật tư y tế và các hiệu thuốc cũng tạm thời bị đình chỉ. Điều này đã buộc bệnh nhân lần đầu tiên trả toàn bộ chi phí mua thuốc theo toa bác sĩ.
Người dân ủng hộ kế hoạch giải cứu Theo hãng tin Reuters, các cuộc thăm dò mới đây cho thấy người dân đang ủng hộ phe bảo thủ ở Hy Lạp thành lập một chính phủ chấp nhận kế hoạch giải cứu 130 tỉ euro của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cam kết giữ nước này ở lại khu vực đồng euro. Năm cuộc thăm dò cuối tuần qua cho thấy Đảng Dân chủ mới bảo thủ, vốn ủng hộ chương trình giải cứu, đã giành được tỉ lệ ủng hộ cao hơn khoảng 0,5%-5,7% so với Đảng SYRIZA cánh tả chống giải cứu. Đảng SYRIZA từng tuyên bố phản đối kế hoạch giải cứu nói trên vì cho rằng nó sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục và cắt giảm lương mạnh mẽ.
Bình luận (0)