Trong bức thư ngỏ, tổng biên tập Espen Egil Hansen cáo buộc ông Zuckerberg “lạm quyền và hạn chế tự do ngôn luận”.
Theo Aftenposten, mạng xã hội Facebook đã xóa một bài viết của nhà văn Tom Egeland (Na Uy), trong đó đính kèm bức ảnh “Em bé napalm” Kim Phúc, 9 tuổi. Bức ảnh này nằm trong loạt “7 hình ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh” của tác giả Egeland. Nhà văn Na Uy sau đó bị Facebook “treo” tài khoản.
Khi Aftenposten lấy bức ảnh “Em bé napalm” để lên án vụ việc nói trên, Facebook gửi tin nhắn yêu cầu tờ báo xóa ảnh hoặc làm mờ. Mạng xã hội này giải thích các bức ảnh khỏa thân phô bày các bộ phận nhạy cảm sẽ bị gỡ bỏ.
Trước khi Aftenposten kịp hồi đáp, Facebook đã mau chóng xóa bài viết và hình ảnh của tờ báo trên trang cá nhân.
Ông Hansen cũng chỉ ra rằng Facebook đã không phân biệt được giữa nội dung khiêu dâm trẻ em và bức ảnh nói về lịch sử chiến tranh. Thay vì thực hiện sứ mệnh kết nối, tổng biên tập Aftenposten cho rằng Facebook đã thất bại trong việc đưa mọi người xích lại gần nhau.
Trả lời về vụ lùm xùm kể trên, một phát ngôn viên của Facebook nói với tờ The Guardian (Anh): “Chúng tôi cố gắng duy trì sự cân bằng giữa việc cho phép mọi người thể hiện bản thân trong khi phải mang lại trải nghiệm an toàn và tôn trọng đối với cộng đồng. Các giải pháp của chúng tôi có thể không phải lúc nào cũng hoàn hảo nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện những chính sách và cách thức áp dụng của mình”.
Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2016, 44% người trưởng thành Mỹ đọc tin tức trên Facebook. Sự phổ biến của mạng xã hội này có nghĩa là các thuật toán của nó có thể gây ảnh hưởng to lớn đối với dư luận.
Bình luận (0)