Sức ép chồng chất đang đè nặng lên Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook, sau khi mạng xã hội lớn nhất hành tinh vỡ lở bê bối làm lộ dữ liệu chấn động.
Phép thử
Mạng xã hội đang có hơn 2,2 tỉ tín đồ sử dụng hằng tháng này đang đối mặt cuộc khủng hoảng được truyền thông Mỹ gọi là "phép thử lớn chưa từng có" vì đã để Công ty Truyền thông Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016.
Hiện Facebook đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ điều tra. Trong khi một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi ông Zuckerberg phải điều trần trước quốc hội, giới chức lập pháp Anh hôm 21-3 cũng yêu cầu ông đưa ra các bằng chứng liên quan tới một cuộc điều tra đang diễn ra về cách thức xử lý tin giả của mạng xã hội này. Yêu cầu chính thức trên được đưa ra giữa lúc Ủy ban châu Âu và các tổ chức giám sát tư nhân ở khắp lục địa già đề nghị mở cuộc điều tra cấp tốc liên quan tới việc xử lý dữ liệu người dùng của Facebook.
Nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook Mark Zuckerberg vẫn im lặng kể từ khi bê bối vỡ lở Ảnh: REUTERS
Theo CNN, vụ bê bối này làm nổi lên một vấn đề trong bản chất kinh doanh của Facebook, đó là khai thác dữ liệu người dùng. Một trong những con đường kiếm tiền của doanh nghiệp này là thu thập dữ liệu người dùng và bán cho các nhà phát triển ứng dụng và quảng cáo. Ngăn chặn những dữ liệu đó tới tay bên thứ ba đáng ngờ gần như là điều bất khả thi.
Thực ra, khía cạnh báo động nhất của bê bối Cambridge Analytica là công ty truyền thông của Anh này chẳng vi phạm quy định nào cả. Mọi chuyện xảy ra hầu như chẳng phải điều gì khuất tất và nó cũng chẳng trái chính sách của Facebook. Mạng xã hội này cho biết ông Aleksandr Kogan, chuyên gia tại Trường ĐH Cambridge (Anh), đã dùng một ứng dụng cá nhân thu thập dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Facebook một cách hợp pháp. Tuy nhiên, những dữ liệu này sau đó đã được bán cho các bên thứ ba, trong đó có Cambridge Analytica - hãng nghiên cứu dữ liệu do cựu trợ lý của Tổng thống Donald Trump là ông Steve Bannon và nhà tài trợ Robert Mercer vận hành. Riêng chi tiết này, ông Kogan đã vi phạm quy định của Facebook. Song, ngay cả các nguồn tin từ Facebook cũng thừa nhận với CNN rằng không thể hoàn toàn giám sát các nhà phát triển ứng dụng và quảng cáo làm như vậy với dữ liệu một khi chúng đã vào tay họ. Điều này giống như bán thuốc lá cho ai đó và nói với họ không được đưa cho bạn bè.
Hậu quả nặng nề
Sự hạn chế trong khả năng giám sát sử dụng dữ liệu của Facebook càng gây sửng sốt hơn từ cách xử lý trường hợp vi phạm của ông Kogan. Phía Facebook cho biết đã nắm được vụ việc vào năm 2015 và ngay sau đó đã yên trí rằng tất cả các bên đã hủy dữ liệu. Thế nhưng, chỉ mấy ngày trước đây, phía Facebook mới hay tin không phải tất cả dữ liệu đều được xóa. Và lúc này Cambridge Analytica liền bị… đóng tài khoản!
Giá trị thị trường của Facebook đã mất hơn 50 tỉ USD kể từ khi bê bối vỡ lở từ cuối tuần rồi, với giá cổ phiếu sụt giảm tới 7% ngày 19-3 và tiếp tục giảm 2,5% trong ngày giao dịch sau đó. Trong vòng 48 giờ sau khi thị trường chứng khoán mở cửa đầu tuần này, ông chủ Facebook đã mất hơn 9 tỉ USD giá trị cổ phiếu trong khi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử Facebook vẫn chưa có điểm dừng. Trước khi cổ phiếu Facebook lao dốc, ông chủ của nó đã bán khoảng 5 triệu cổ phiếu trong năm nay theo kế hoạch công bố trước đó nhằm bổ sung tiền cho quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative do Zuckerberg cùng vợ quản lý.
Theo CNN, thay mặt một nhóm nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của Facebook từ ngày 3-2-2017 đến 19-3-2018, một cổ đông của Facebook có tên Fan Yuan hôm 21-3 đã đệ đơn kiện công ty này lên tòa án liên bang ở San Francisco - Mỹ. Không những thế, một phong trào kêu gọi tẩy chay Facebook đang lan rộng trên mạng xã hội Twitter kể từ ngày 19-3.
Trong khi đó, chê trách cách xử lý khủng hoảng của Facebook lần này là cực kỳ thảm họa, nhà đầu tư công nghệ Jason Calacanis nói với CNBC rằng ông Zuckerberg - người cho tới nay vẫn im lặng - nên từ chức và để "nữ tướng" Sheryl Sandberg lên thay thế vì bà Sandberg biết cách xử lý xì-căng-đan hơn.
Bình luận (0)