Trước đó, hồi tháng 3-2017, một người đàn ông bị bắt ở Lithuania và bị buộc tội lừa gạt 2 công ty công nghệ Mỹ nhưng lúc đó tên công ty không được tiết lộ.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, nghi phạm Evaldas Rimasauskas, một người Lithuania, mạo danh một nhà sản xuất phần cứng máy tính ở châu Á (không được nêu tên) và lừa nhân viên 2 công ty Mỹ chuyển tiền vào một số tài khoản ở Latvia, Cyprus, Slovakia, Lithuania, Hungary, Hồng Kông... trong giai đoạn 2013-2015.
Để dụ con mồi sập bẫy, Rimasauskas tạo tài khoản email giả trông giống như email thật của nhân viên hoặc đại lý công ty châu Á nói trên rồi gửi đến nhân viên của Google, Facebook. Để tăng độ chân thật, theo phía điều tra, nghi phạm còn lập một công ty ở Latvia có tên giống như tên nhà sản xuất châu Á.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng buộc tội Rimasauskas làm giả hóa đơn, hợp đồng, thư từ và dùng chúng để lừa đảo. May là phần lớn số tiền bị lừa đã được thu hồi. Đại diện của Google và Facebook cho biết họ đã trình báo và hợp tác với nhà chức trách biết sau khi phát hiện hành vi gian lận. Tuy nhiên, cả 2 công ty không tiết lộ số tiền bị lừa và được thu hồi sau đó.
Các chuyên gia nhận định vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh rằng bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả những công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới, cũng có thể bị bọn tội phạm mạng lừa gạt nếu mất cảnh giác.
Ông James Maude, làm việc tại công ty bảo mật mạng Avecto, cho biết nhân viên tại công ty lớn thỉnh thoảng nghĩ rằng bảo mật không phải là vấn đề của họ. Vì thế, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tăng cường huấn luyện để nhân viên đương đầu tốt hơn với những thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi.
Một chiêu trò đang đặc biệt gây lo ngại là tội phạm giả mạo làm quan chức điều hành công ty để yêu cầu cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản họ.
Bình luận (0)