Trưa 17-3, Christopher Wylie "nhá hàng" trên Twitter: "Chúng ta sẽ bắt đầu…". Chưa đầy 1 ngày sau đó, tên tuổi của "người thổi còi" 28 tuổi nổi đình nổi đám trên truyền thông quốc tế sau khi anh vạch trần vụ bê bối dữ liệu liên quan tới hàng chục triệu người dùng của Facebook.
Tuổi thơ trắc trở
Tài năng khoa học dữ liệu sinh ra ở Canada này vốn là nguồn tin cho nhà báo Carole Cadwalladr của tờ Observer hơn 1 năm qua nắm trong tay những hoạt động của công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (Anh), không chỉ trong nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump do ông Steve Bannon dẫn đầu mà còn liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu hay còn gọi là Brexit.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng trao đổi không chính thức, nữ nhà báo của Observer đã thuyết phục Wylie và thông tin Cambridge Analytica thu thập dữ liệu Facebook của 50 triệu cử tri Mỹ rồi sử dụng các phần mềm để quảng cáo chính trị được tung ra. Số người bị thu thập dữ liệu tới nay đã được xác định lên tới 87 triệu.
Christopher Wylie được đánh giá là một chiến lược gia chính trị với kỹ năng khoa học dữ liệu thiên tài Ảnh: AP
Cadwalladr gọi nguồn tin của mình là "người thổi còi vĩ đại đầu tiên của thế hệ Millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1980-2000)". Anh xuất hiện trong cuộc phỏng vấn sâu đăng tải ngày 18-3 trên Observer và tiết lộ quá khứ bỏ học ở tuổi 16 cho đến khi trở thành nhân tố phía sau vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử mạng xã hội.
Theo báo The Globe and Mail, năm 6 tuổi, Wylie từng bị một kẻ tâm thần lạm dụng. Mặc dù trường tiểu học nơi anh từng theo học tìm cách ém nhẹm vụ việc nhưng gia đình quyết không bỏ qua và cuộc chiến pháp lý giữa 2 bên đã kéo dài suốt 6 năm. Wylie chia sẻ cuộc chiến đó đặc biệt khó khăn với cha mẹ cậu - một người là bác sĩ, một người là chuyên gia tâm lý, bởi họ hiểu rõ tác động nặng nề của sự việc như vậy lên một đứa trẻ.
Dù tuổi thơ và sự nghiệp học hành dang dở, Wylie đã thắng kiện Bộ Giáo dục British Columbia vào năm 14 tuổi, buộc giới chức trách phải thay đổi các chính sách liên quan tới vấn đề bắt nạt trẻ em. Observer cho rằng việc đối đầu với bất công và những hành động phi pháp mang tính tổ chức đã ngấm vào máu của Wylie từ khi còn rất trẻ. Từ bước khởi đầu đó, nay ở tuổi 28, anh trở thành cái tên nổi đình nổi đám khắp toàn cầu vì lên tiếng phanh phui vụ bê bối dữ liệu bom tấn khiến mạng xã hội lớn nhất hành tinh chao đảo.
Công cụ tác chiến tâm lý
Phần lớn thời thơ ấu gắn liền với các bác sĩ tâm lý, Wylie nói với Observer rằng cậu bị chẩn đoán mắc bệnh ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và chứng khó đọc khi còn nhỏ. Không một tấm bằng trong tay nhưng cậu nhanh chóng bước chân vào thế giới chính trị nhờ hiểu biết hơn người về internet. Năm 17 tuổi, cậu làm việc trong văn phòng của thủ lĩnh đối lập Canada.
Hai năm sau, Wylie tự học về mã hóa rồi theo học Khoa Luật của ĐH Kinh tế London (Anh) ở tuổi 20. Vừa học, cậu vừa làm việc cho Đảng Dân chủ Tự do của Anh, giúp đảng này nâng cấp dữ liệu và nhắm tới các cử tri. Đáng chú ý, nhà khoa học dữ liệu được gọi là một chiến lược gia chính trị với kỹ năng khoa học dữ liệu thiên tài này được cấp loại thị thực Tier 1 cho tài năng đặc biệt, loại visa chỉ dành cho 200 người làm việc ở Anh mỗi năm.
Trước khi trở thành Giám đốc nghiên cứu của Cambridge Analytica năm 2012, Wylie không biết rằng mình đang bước vào một liên minh các dự án quốc phòng của Anh và Mỹ trên mặt trận thông tin. Công ty này còn triển khai các công cụ tác chiến tâm lý trong những cuộc bầu cử trên toàn thế giới. Khi còn làm việc cho Đảng Dân chủ Tự do ở Anh, Wylie bắt đầu nghĩ về việc các đặc điểm cá nhân có thể báo hiệu thái độ chính trị ra sao và Giám đốc điều hành (CEO) Cambridge Analytica Alexander Nix đã trao cho cậu một vị trí và cơ hội để "thử nghiệm tất cả ý tưởng điên rồ của bản thân".
Theo tiết lộ của Wylie, cuối cùng ông Bannon trở thành sếp của cậu, lúc đó ông là Tổng Biên tập của tờ Breitbart News, rồi về sau dẫn đầu chiến dịch tranh cử của ông Trump. Họ kết hợp với Công ty Nghiên cứu Khoa học Toàn cầu của giáo sư tâm lý Aleksandr Kogan thuộc ĐH Cambridge thu thập dữ liệu Facebook, sử dụng một ứng dụng kiểm tra cá nhân và tiến tới nhằm vào cử tri Mỹ. "Chúng tôi đã lợi dụng Facebook để lục lọi hồ sơ của người dùng và xây dựng các mô hình để khai thác những điều chúng tôi thu thập được về họ rồi nhằm vào các điều thầm kín bên trong họ" - Wylie nói.
Wylie rời khỏi Cambridge Analytica năm 2014 và báo động cho Facebook về sự rò rỉ dữ liệu này 2 năm sau đó nhưng mạng xã hội có hơn 2,2 tỉ người dùng này không hề có một nỗ lực nào để lấy lại số dữ liệu. Sau khi bê bối vỡ lở, Facebook đã đình chỉ tài khoản của Cambridge Analytica. Tài khoản Facebook và Instagram của Wylie cũng bị phong tỏa.
Thế giới mờ ám
Điều trần trước Ủy ban Văn hóa của Nghị viện Anh hôm 27-3, Wylie nói hoàn toàn hợp lý để kết luận rằng "gian lận" trong bỏ phiếu Brexit thông qua các mánh khóe dữ liệu để tác động cử tri có thể đã thay đổi kết quả cuối cùng.
Anh còn tiết lộ người tiền nhiệm của mình ở Cambridge Analytica, ông Dan Muresan, đã chết bí ẩn trong khách sạn ở Kenya và có thể bị đầu độc khi đang làm việc cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Uhuru Kenyatta năm 2012. "Cambridge Analytica lúc đó đang làm việc với các chính khách Kenya. Ở nhiều quốc gia châu Phi, khi thỏa thuận gặp trục trặc, bạn có thể phải trả giá" - Wylie nói. Tiết lộ gây sốc tới nay vẫn chưa có xác nhận này càng gây thêm lo ngại về Cambridge Analytica và thế giới mờ ám mà công ty này vận hành.
Trong khi đó, hãng thông tấn AP (Mỹ) hôm 9-4 đưa tin Wylie cáo buộc khối dữ liệu khổng lồ của người dùng Facebook bị thu thập trái phép nói trên từng được sử dụng để trợ giúp tỉ phú Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. "Người thổi còi" tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc điều tra của quốc hội Mỹ cũng như gặp gỡ lực lượng hành pháp và Bộ Tư pháp nước này để trao đổi về vụ bê bối.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-4
Kỳ tới: Hồ sơ bóng tối
Bình luận (0)