Tờ Independent ngày 5-10 đưa tin các ứng dụng mạng xã hội trên gặp tình trạng không thể cập nhật trang nội dung vào trưa 4-10 (giờ địa phương). Sau đó, người sáng tạo nội dung trên Youtube Chris Williamson đặt ra 1 câu hỏi trên Twitter rằng: "Ai đó có thể ước tính xem Facebook mất bao nhiều tiền mỗi phút khi 3 ứng dụng bị sập không?".
Trả lời câu hỏi này, một người dùng Twitter cho biết: "Năm ngoái, doanh thu quảng cáo cho các trang của Facebook là 84,2 tỉ USD. Vì vậy, mỗi phút bị sập họ sẽ mất khoảng 160.000 USD". Đây là 1 khoản tiền rất lớn.
Ông Andy Stone, phát ngôn viên của Facebook, đã xin lỗi vì sự bất tiện của tình trạng trên nhưng không đề cập đến thời gian sửa chữa. "Chúng tôi biết rằng một số người đang gặp sự cố khi truy cập vào các ứng dụng và sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi đang nỗ lực để mọi thứ trở lại bình thường nhanh nhất có thể và chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào" - trích lời ông Stone.
Ba mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp bị sập trong gần 6 tiếng vào ngày 4-10. Ảnh: EPA
Vào năm 2019, Facebook cũng từng bị sập trong 14 giờ và thiệt hại 90 triệu USD. Theo một nghiên cứu của tổ chức Gartner vào năm 2014, "thiệt hại trung bình của việc ngừng hoạt động là 5.600 USD/phút". Tuy nhiên, Gartner lưu ý rằng đây có thể không phải là tính toán chính xác vì có nhiều yếu tố cần xem xét, chẳng hạn như quy mô của công ty và thị trường.
Trong khi đó, tài sản cá nhân của ông Zuckerberg đã giảm gần 6 tỉ USD trong vài giờ, rơi từ hạng 4 xuống hạng 5 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Ngoài ra, cổ phiếu của Facebook đã giảm 15% kể từ giữa tháng 9.
Tạp chí Bloomberg đưa tin nhìn chung, giá trị tài sản ròng của ông Zuckerberg đã giảm khoảng 19 tỉ USD kể từ ngày 13-9.
Sự cố khiến ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thiệt hại gần 6 tỉ USD. Ảnh: Bloomberg
Việc 3 ứng dụng mạng xã hội ngừng hoạt động đã cho thấy thế giới đã trở nên phụ thuộc vào một công ty đang bị giám sát gắt gao như thế nào. Mặc dù sự việc chỉ diễn ra trong khoảng 6 giờ, ảnh hưởng của nó lại rất sâu rộng và nghiêm trọng.
Facebook đã tự xây dựng mình thành một nền tảng chủ chốt với tính năng nhắn tin, phát trực tiếp, thực tế ảo và nhiều dịch vụ kỹ thuật số khác. Ở một số quốc gia như Myanmar và Ấn Độ, Facebook đồng nghĩa với internet.
Hơn 3,5 tỉ người trên thế giới đang sử dụng Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp để liên lạc với bạn bè và gia đình, chia sẻ thông điệp chính trị và mở rộng các doanh nghiệp của họ qua quảng cáo và tiếp cận cộng đồng.
Tài khoản Facebook còn được dùng để đăng nhập vào nhiều ứng dụng và dịch vụ khác, dẫn tới hiệu ứng chuỗi không mong muốn như người dùng không thể đăng nhập vào các trang web mua sắm hay TV thông minh và các thiết bị kết nối internet khác.
Sự cố ngừng hoạt động trong công nghệ không phải là hiếm nhưng việc có quá nhiều ứng dụng của công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới bị sập cùng 1 lúc là điều hết sức bất thường.
Lần cuối cùng Facebook bị ngừng hoạt động là vào năm 2019, khi một lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến các trang web của họ trong 24 giờ. Điều này cho thấy một sự cố có thể làm tê liệt ngay cả những công ty internet mạnh nhất.
Bình luận (0)