Sau vụ khủng bố IS lái xe đâm chết người ở gần cầu London - Anh ngày 3-6, lập tức ông Georges Fenech, Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra Quốc hội Pháp về những vụ khủng bố ở Paris, yêu cầu hoàn thiện hệ thống tình báo châu Âu bằng cách thiết lập một cơ quan điều tra có quyền hạn rộng rãi như FBI với tên gọi "FBI châu Âu".
Khủng hoảng lòng tin
Trước đó, tháng 4-2016, tại Hội nghị An ninh Munich 2016, nhà ngoại giao hàng đầu Đức Wolfgang Ischinger từng kêu gọi EU thành lập một cơ quan thực thi pháp luật theo mô hình FBI, có quyền bắt giữ nghi phạm khủng bố trong phạm vi toàn EU mà không cần có sự đồng thuận trước của cơ quan an ninh các nước thành viên.
Với tư cách chủ tịch hội nghị, ông Ischinger cho rằng những cuộc tấn công khủng bố ở Paris - Pháp và Brussels - Bỉ cho thấy khả năng chia sẻ thông tin tình báo của cơ quan an ninh các nước thành viên EU đang trong tình trạng khủng hoảng vì thiếu sự tin cậy lẫn nhau. "Tại sao chúng ta không dũng cảm nhìn nhận điều đó và xúc tiến việc thiết lập FBI châu Âu?" - ông đặt vấn đề.
Điều phối viên chống khủng bố EU Gilles de KerchoveẢnh: Sitel.com
Chia sẻ thông tin giữa 28 nước thành viên EU là vấn đề sống còn trong việc chống khủng bố, cụ thể là IS. Tất cả chuyên gia chống khủng bố đều tin như thế nhưng thời gian qua, đây là vấn đề nan giải chưa thấy lối ra.
EU từng có các công cụ hợp tác liên quốc gia như hệ thống tin học Schengen cho phép trao đổi dữ liệu về cá nhân hoặc phương tiện có vấn đề. Europol (Cảnh sát châu Âu) làm nhiệm vụ phối hợp thông tin giữa các cơ quan cảnh sát quốc gia. EU còn có cơ quan điều phối chống khủng bố và cơ quan kiểm tra an ninh biên giới các nước thành viên (Frontex).
Tháng 4-2016, Nghị viện châu Âu buộc các hãng hàng không dân sự cung cấp danh sách hành khách đi và đến EU cho cơ quan an ninh mỗi nước thành viên nhằm ngăn ngừa, chống khủng bố.
Thế nhưng, tất cả công cụ nêu trên vẫn không thể chống lại có hiệu quả những cuộc tấn công khủng bố của IS. Bởi vậy, những chính khách như ông Fenech hay ông Ischinger mới đặt vấn đề thiết lập một cơ quan tình báo cấp châu Âu theo mô hình FBI.
Chỉ có trong mơ!
Những cuộc tấn công khủng bố dồn dập trong tháng qua ở London, Paris và Brussels khiến ông Gilles de Kerchove, điều phối viên chống khủng bố của EU, một lần nữa bị báo chí gí sát ván. Vị quan chức 60 tuổi người Bỉ này được phân công làm nhiệm vụ khó khăn vừa nêu gần 10 năm nay.
Theo nhiều nhà quan sát quốc tế, ông Kerchove có tiếng nhưng không có miếng bởi quyền hạn hết sức hạn chế, không thể đối phó hiệu quả với mối đe dọa khủng bố. Ông rất siêng đi thuyết giảng ở các trường đại học khắp EU nhưng không có ngân sách và nhân sự riêng để làm tốt vai trò của mình.
Về ý tưởng FBI châu Âu, câu trả lời của ông Kerchove đầy bức xúc: "Đến giờ, chúng tôi xin khẳng định rằng chưa thể xúc tiến thành lập vì vướng các hiệp ước hiện hành. Chúng ta có thể ước thấy điều đó với điều kiện phải thay đổi các hiệp ước. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải có ý chí chính trị quyết liệt hơn, phải có những biện pháp kiểm soát hữu hiệu hơn…".
Ông Kerchove nhận xét FBI châu Âu sẽ cải thiện được việc chia sẻ và phân tích dữ liệu tình báo nhưng bản thân nó không phải là một công thức kỳ diệu có thể giải quyết mọi vấn đề. Quan trọng hơn, theo ông, giữa các nước thành viên EU chưa có sự đồng thuận về vấn đề FBI châu Âu.
Luật gia Thibault de Montbrial, cha đẻ Trung tâm Phản ánh an ninh nội địa Pháp, cho biết một trong những rào cản lớn nhất là không dễ thống nhất "bản sắc" văn hóa mỗi nước. Chẳng hạn, cách làm việc của các nhà điều tra Tây Ban Nha không giống như Ý hay Pháp. Cho nên FBI châu Âu mang "bản sắc châu Âu" chỉ có trong mơ.
Europol bị "trói"
Theo ông Ischinger, Europol đang bị bó tay bó chân vì chỉ đóng vai trò hỗ trợ lực lượng cảnh sát các nước thành viên EU. Điều này có nghĩa là họ không có quyền bắt giữ nghi phạm nếu không có sự đồng thuận của chính quyền sở tại. Europol cũng không được phép tiếp cận kho dữ liệu thông tin chống khủng bố của các cơ quan tình báo EU.
Sự việc càng trở nên rối rắm hơn khi nghi phạm được tự do di chuyển từ nước này sang nước khác trong khuôn khổ Hiệp ước Schengen mà không sợ Europol. Nhờ sự linh hoạt này mà thủ phạm tấn công khủng bố ở chợ Berlin - Đức hồi tháng 12-2016 có thể ung dung di chuyển qua 5 nước EU sau khi hành động.
Hắn chỉ bị tiêu diệt tại Ý một cách tình cờ vì "có tật giật mình" khi cảnh sát chặn lại chỉ để kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Europol đã rất cố gắng bám sát thực tiễn khi thành lập Trung tâm Chống khủng bố châu Âu (ECTC) hồi năm ngoái để đối phó hiểm họa IS. Tuy nhiên, như đã nêu, nếu các cơ quan tình báo EU không cung cấp thông tin chống khủng bố cho Europol với nhiều lý do khác nhau thì sự hiện diện của ECTC chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ.
Ông Rob Wainwright, Giám đốc Europol, từng than phiền "Chúng tôi không có quyền hành pháp nên không thể tiến hành những cuộc điều tra riêng".
Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng
Lịch sử chống khủng bố của EU chứng kiến rất nhiều trường hợp dùng dằng không chịu đổi mới. Ngày 7-1-2015, tòa soạn báo trào phúng Charlie Hepdo ở Paris bị các tay súng Hồi giáo cực đoan tấn công khiến 12 người chết, trong đó có 5 nhà báo, 12 người bị thương. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đề xuất EU thiết lập PNR (danh sách hành khách đi đến các sân bay EU) cung cấp cho cơ quan an ninh các nước thành viên để tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa thành phần nguy hiểm. Thế nhưng, không ít các ông bà nghị sĩ ở Nghị viện châu Âu dùng dằng, không đồng ý thông qua.
Hậu quả nhãn tiền là Paris lãnh thêm một cú đánh trời giáng của IS vào tháng 11-2015 làm 130 người chết và hơn 400 người bị thương. Mãi đến tháng 4-2016, đề xuất của ông Cazeneuve mới được Nghị viện châu Âu thông qua.
Bình luận (0)