Cụ thể, G20 đồng ý theo đuổi mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu lên gấp 3 lần vào năm 2030, đồng thời tìm cách tăng cường các quỹ giúp giải quyết những thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, G20 cũng nhất trí cần giảm dần sử dụng năng lượng than đá nhưng không đưa ra các mục tiêu khí hậu quan trọng.
Amitabh Kant, quan chức cấp cao Ấn Độ, gọi thỏa thuận trên có lẽ là văn kiện "tham vọng nhất" từ trước đến giờ về hành động khí hậu. Trong khi đó, các chuyên gia về khí hậu và năng lượng dù không lạc quan như thế nhưng vẫn cho rằng G20 đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu.
Sự kiện ra mắt Liên minh Nhiên liệu sinh học toàn cầu, diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ hôm 9-9Ảnh: Reuters
Kế hoạch trên được kỳ vọng sẽ mở đường cho một thỏa thuận khí hậu tham vọng tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), dự kiến diễn ra tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào cuối năm nay.
Ông Sultan Al-Jaber, Chủ tịch COP28, nhận định G20 chiếm khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu nên tuyên bố của họ gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra thất vọng khi G20 không thể đạt được thỏa thuận về việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch tại hội nghị ở Ấn Độ. Nhà phân tích năng lượng Madhura Joshi tại TP Mumbai - Ấn Độ nhấn mạnh việc tăng năng lượng tái tạo và giảm nhiên liệu hóa thạch cần phải được thực hiện song song.
Bình luận (0)