Khi nhóm họp tại tỉnh Mie - Nhật Bản trong 2 ngày 26 và 27-5, những nhà lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) có một chương trình nghị sự dày đặc và đầy tham vọng: duy trì an ninh hàng hải, chống khủng bố, đối phó khủng hoảng tị nạn, giải quyết xung đột Syria và Ukraine, cải thiện kinh tế, thúc đẩy thương mại toàn cầu… Một số lượng cảnh sát kỷ lục 100.000 người đã được triển khai để bảo vệ an ninh cho hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các nước Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh và Mỹ.
Phản đối quân sự hóa biển Đông
Là nước đang đối mặt sự khiêu khích của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và lo ngại những hoạt động đơn phương của Bắc Kinh ở biển Đông, không có gì khó hiểu khi Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe xem an ninh hàng hải là nội dung thảo luận quan trọng.
Theo hãng tin Kyodo, ông Abe sẽ cùng các nhà lãnh đạo G7 khác “phản đối mạnh mẽ” hành vi xây đảo và quân sự hóa các tiền đồn ở biển Đông - một chỉ trích rõ ràng là nhằm vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Cũng theo tuyên bố dự kiến đưa ra sau khi hội nghị kết thúc, các nước G7 còn bác bỏ “những hành động đơn phương có thể thay đổi hiện trạng biển Đông”, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Không dừng lại ở đó, tuyên bố còn bày tỏ lo ngại về những căng thẳng ở biển Hoa Đông, nơi tàu Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang được Tokyo kiểm soát nhưng cũng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Cùng với Nhật, Mỹ là nước phản ứng mạnh mẽ những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Vì thế, đây là một chủ đề bàn thảo chính khi ông Abe tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25-5.
Tại cuộc gặp bên lề khác diễn ra trước đó 2 ngày, ông Abe cho biết ông và Thủ tướng Canada Justin Trudeau chia sẻ “mối quan ngại sâu sắc” về hoạt động cải tạo quy mô lớn, xây dựng các cơ sở và quân sự hóa ở biển Đông. “Điều quan trọng là chúng tôi đã nhất trí hợp tác để bảo đảm sự an toàn, tự do cho các vùng biển dựa trên việc tuân thủ luật lệ” - ông Abe tuyên bố.
Nhu cầu thấp
Nỗi lo về kinh tế toàn cầu cũng bao trùm hội nghị G7 sắp tới. “Tôi bảo đảm hội nghị G7 sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ về mọi tình hình cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ của kinh tế thế giới” - ông Abe nói với các phóng viên trước thềm hội nghị.
Tuy nhiên, hãng tin AP nhận định không dễ để các nhà lãnh đạo tìm được tiếng nói chung về cách thức thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế thế giới giữa lúc các nước đang phát triển tăng trưởng chậm lại, chuyện rời hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) của Anh và khu vực đồng euro chưa có dấu hiệu rõ ràng. G7 sẽ phải tìm lời giải cho một loạt vấn đề, như lực lượng lao động ngày càng già đi, năng suất lao động giảm sút, dư âm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tác động từ sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới…
Bất đồng đã xuất hiện tại hội nghị các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại TP Sendai - Nhật Bản trong 2 ngày 20 và 21-5. Nước chủ nhà và Mỹ kêu gọi các thành viên khác tăng cường kích thích tài chính để thúc đẩy tăng trưởng. Trái lại, Đức và Anh lại nhấn mạnh đến chính sách thắt lưng buộc bụng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew thừa nhận các nước G7 khó tìm ra chiến lược tăng trưởng chung bởi từng thành viên phải đối mặt những thách thức và hạn chế nguồn lực khác nhau.
Sự đồng thuận hiếm hoi là các nước G7 đánh giá động cơ tăng tưởng của thế giới đang vận hành trong tình trạng “thiếu nhiên liệu”. Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, các nước G7 tin rằng vấn đề kinh tế lớn nhất lúc này là nhu cầu thấp khắp thế giới. Bất chấp lãi suất giảm xuống mức thấp kỷ lục, người tiêu dùng vẫn tỏ ra miễn cưỡng mua sắm trong lúc doanh nghiệp không chịu đầu tư - một hiện tượng khiến không ít nhà kinh tế và hoạch định chính sách ngạc nhiên cũng như buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các chính phủ liên tục hạ dự báo tăng trưởng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble còn cảnh báo những món nợ công khổng lồ và thanh khoản dư thừa có thể khiến các thị trường tài chính thêm lo lắng.
Mỹ, Nhật theo dõi Trung Quốc tập trận
Mỹ và Nhật Bản theo dõi sát sao cuộc tập trận liên tục trong 2 ngày 22 và 23-5 của một nhóm tàu hải quân Trung Quốc ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương. Truyền thông Trung Quốc cho biết 2 tàu khu trục của Mỹ và Nhật cùng 2 trực thăng săn ngầm đã theo dõi từ khoảng cách có thể nhìn thấy được.
Trước đó, các tàu chiến Trung Quốc nêu trên cũng tập trận và tuần tra phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng tại biển Đông.
Bình luận (0)