Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: VGP
Sáng nay 6-5, Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì cuộc họp với Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 và tham gia lễ lý công hàm trao đổi Việt Nam - Nhật Bản.
Sau đó, ông Fumio Kishida và ông Phạm Bình Minh đồng chủ trì cuộc họp báo lúc 9 giờ 45. Báo Người Lao Động sẽ tường thuật trực tiếp cuộc họp báo này trên Fanpage Báo Người Lao Động tại địa chỉ https://www.facebook.com/nguoilaodong/.
Trước đó, ngày 5-5, ông Kishida đã đến chào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, khẳng định lập trường của Nhật Bản đối với Việt Nam không thay đổi, luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA ở mức cao cho Việt Nam trong năm tài khóa 2016, hỗ trợ Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, xây dựng hạ tầng, tái cơ cấu nền kinh tế và đào tạo nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ lâu dài cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ tới một số khu vực của Việt Nam.
Khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, Bộ trưởng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế thông qua tài trợ vốn ODA, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Việt Nam, Bộ trưởng Fumio Kishida đánh giá đây là vấn đề nghiêm trọng, phía Nhật Bản sẽ xem xét nghiêm túc về sự hỗ trợ cụ thể đối với Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ sự quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình hình Biển Đông thời gian gần đây; nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, các bên liên quan không được có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tham gia Hội nghị 7 nước công nghiệp phát triển mở rộng (Hội nghị G7 mở rộng) theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nội dung Hội nghị G7 cấp bộ trưởng vừa qua tại Nhật Bản, Bộ trưởng Fumio Kishida cho biết Hội nghị đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn về an ninh trên biển và tại Hội nghị G7 mở rộng sắp tới, dự kiến có nội dung về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, pháp quyền trên biển, tự do hàng hải, hàng không.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 5, 6-5 trong khuôn khổ chuyến công du các nước châu Á. Ông Kishida đã tới Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và sau khi tới Việt Nam, ông sẽ thăm Lào.
Như vậy, 3 trong 4 nước Ngoại trưởng Nhật thăm là các nước Đông Nam Á. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đây là những nỗ lực chuyển trục của Nhật Bản sang khu vực này - nơi Nhật Bản muốn cạnh tranh với Trung Quốc để gây ảnh hưởng.
Trao đổi với báo chí trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Nhật đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng trong cộng đồng quốc tế chia sẻ giá trị chung về thượng tôn pháp luật với Nhật. Ngoài ra, Việt Nam nằm ở khu vực hết sức quan trọng đối với an ninh khu vực, xuất phát từ vị trí nằm trên tuyến đường vận tải trên biển của Nhật. Với quan điểm thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật trên biển, Nhật đang hợp tác nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Vào tháng 8-2014, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, hai bên đã ký kết công hàm trao đổi về khoản viện trợ không hoàn lại phi dự án nhằm đảm bảo an toàn hàng hải. Theo đó, Nhật Bản cung cấp 6 tàu và trang thiết bị cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam và hiện nay đã bàn giao xong.
Trong chuyến thăm Nhật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9 năm ngoái, Nhật cũng đã cam kết sẽ cung cấp thêm tàu đã qua sử dụng và cũng đang chuẩn bị cung cấp tàu tuần tra đóng mới cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhật cũng đang thực hiện hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực như tiếp nhận cán bộ của Việt Nam, trong đó có cơ quan như Cảnh sát biển Việt Nam, sang đào tạo tại Nhật.
Bình luận (0)