Theo tờ The Japan News, hôm 3-7, các nước G7 đang có ý định gây sức ép lên Trung Quốc để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở biển Đông.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc ở Ise-Shima-Nhật hồi tháng 5, các nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua luật pháp quốc tế - chẳng hạn thông qua Tòa Trọng tài The Hague (PCA) tại Hà Lan- về các vấn đề an ninh hàng hải.
Một tuyên bố chung giữa G7 và chính phủ Nhật Bản có thể sắp được công bố để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA dù nó không mang tính ràng buộc.
Ngoài ra, bất kể quyết định của tòa án, các quốc gia G7 cũng yêu cầu Trung Quốc hành xử theo luật pháp quốc tế bằng cách chứng minh tầm quan trọng của việc giải quyết những tranh chấp thông qua phương tiện pháp lý.
Trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh hôm 1-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng nước này “sẽ không để cho bất cứ quốc gia nào khiến Trung Quốc phản bội lại lợi ích cốt lõi hoặc gây tổn hại cho chủ quyền, an ninh và phát triển của đất nước”.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trung Quốc sẽ tránh gây ra một cuộc xung đột nhưng sẽ không sợ nếu xung đột xảy ra” – ông Tập khẳng định và lưu ý Bắc Kinh sẽ bác bỏ phán quyết bất lợi từ PCA.
Trong khi đó, tờ China Daily hôm 4-7 cho biết Trung Quốc sẵn sàng để bắt đầu các cuộc đàm phán với Philippines về vấn đề biển Đông, nếu Manila bỏ qua phán quyết của PCA công bố vào ngày 12-7 tới.
Theo tờ báo, các cuộc đàm phán giữa 2 bên có thể bao gồm các vấn đề như phát triển và hợp tác trong nghiên cứu khoa học...
Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại thỏa thuận năm 1995, trong đó Philippines đồng ý giải quyết tranh chấp ở biển Đông “một cách hòa bình và thân thiện, thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Bình luận (0)