PCA cho biết họ sẽ đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông vào ngày 12-7 tới.
Tuy nhiên, theo luận điện của các quan chức Trung Quốc, nước này không quan tâm gì đến phán quyết trên.
“Chúng tôi không biết cũng như không quan tâm nếu PCA ra phán quyết. Đó là quyết định sai lầm. Nó không có tác động đối với chủ quyền của Trung Quốc tại các bãi đá, đảo nhân tạo. Chúng tôi sẽ không tranh cãi ở tòa án nhưng chắc chắn sẽ chiến đấu cho chủ quyền của đất nước” – Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming tuyên bố với Reuters gần đây.
Quan chức này cũng cho rằng một số quốc gia liên quan tới tranh chấp ở biển Đông có động lực thách thức Trung Quốc bởi họ được Mỹ chống lưng. “Họ tin rằng có Mỹ đứng đằng sau và họ có thể nhận được một thỏa thuận có lợi với Trung Quốc. Vì vậy, tôi rất nghi ngờ về động cơ của Mỹ” – đại sứ Liu cho biết.
Song song với việc bác bỏ quyền tài phán của PCA và công kích Mỹ, Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc họp với một số nhà ngoại giao và phóng viên để rêu rao quan điểm của mình về vấn đề biển Đông.
Cảm thấy chưa yên tâm, Bắc Kinh còn cho đăng tải một loạt bài viết tuyên truyền trên các tờ báo trong và ngoài nước Các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây cũng phàn nàn rằng đi đến đâu họ cũng nghe những người đồng cấp Trung Quốc liên tục nói về chuyện biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc còn leo thang chỉ trích Philippines tự ý nộp đơn kiện lên PCA thay vì ngồi vào bàn đàm phán song phương. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận với đội ngũ pháp lý của Philippines cho biết họ tin tưởng phán quyết có lợi của PCA sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên những bước đi trong tương lai của Trung Quốc tại vùng biển này.
Nhiều nước, trong đó có Anh, Úc và Nhật Bản, đang ủng hộ lập trường của Mỹ, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật. Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) khẳng định phán quyết của PCA phải mang tính ràng buộc bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Tại Washington, giới chức Mỹ đang quan tâm các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông. Theo lập luận của đại sứ Liu, Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở vùng biển quốc tế này là do “bị Washington đe dọa”.
Mỹ thời gian qua đã gia tăng sự hiện diện quân sự ở biển Đông, trong khi Pháp kêu gọi các nước châu Âu tham gia vào một cuộc kế hoạch tuần tra chung tại đây.
Đại sứ Liu cho biết Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương, không muốn gây chiến tranh với các nước nhưng vẫn khẳng định chủ quyền của mình tại Đông.
Bình luận (0)