Tình trạng hỗn loạn tại Hy Lạp đang làm giảm sút lòng tin vào 17 nước đang sử dụng đồng euro. Chi phí vay mượn gia tăng đối với hầu hết chính phủ đang mắc nợ. Các nhà đầu tư và người gửi tiền đang tháo chạy khỏi những ngân hàng bị xem là yếu. Tình trạng thất nghiệp tăng cao khi suy thoái bao trùm tại gần phân nửa nước thành viên khu vực đồng euro. Tất cả vấn đề này đang đè nặng lên các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Nga, Ý và Canada tại Hội nghị Cấp cao G8 ở trại David vào cuối tuần này.
Một vấn đề gây đau đầu khác, theo hãng tin AP, là bất đồng giữa những người ủng hộ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và những người muốn áp dụng các biện pháp khắc khổ để ngăn cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Dù vậy, trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát đi một thông điệp mang tính hòa giải khi cho biết bà ủng hộ các biện pháp giúp kích thích kinh tế Hy Lạp miễn là chính phủ nước này tuân thủ các cam kết giảm nợ công. Sự chuyển hướng trên cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu bắt đầu nhận ra rằng các nước không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nếu bị buộc chỉ tập trung vào cắt giảm chi tiêu và nợ công.
Lo sợ tác động của tình trạng hỗn loạn tài chính châu Âu đối với nước Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần, tổng thống nước chủ nhà Barack Obama dự kiến sẽ đề xuất những hành động “cụ thể” mà châu Âu có thể tiến hành. Ngoài ra, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước không thuộc châu Âu muốn tìm kiếm những bảo đảm rằng các nhà lãnh đạo châu Âu có thể ngăn tình trạng hỗn loạn từ Hy Lạp lan sang các nước đang mắc nợ khác ở châu Âu, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và sang những nước bên ngoài châu Âu.
Nỗi lo này đang tăng lên sau khi cơ quan Moody’s hôm 17-5 quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với 16 ngân hàng Tây Ban Nha kèm theo nhận định rằng nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái trong quý I/2012 và tình hình dự kiến sẽ không cải thiện trong cả năm nay.
Bình luận (0)