Lá thư dài ba trang, ký tên “Đại tá Muammar Gaddafi, Chỉ huy cuộc Cách mạng vĩ đại” được báo giới Mỹ công bố chiều 10-6 (giờ địa phương), đúng vào ngày thứ 83 của cuộc xung đột tại Libya.
Mở đầu, lá thư viết các quan chức Libya “rất quan tâm đến việc Quốc hội Mỹ chỉ trích về sự tham gia của Mỹ trong chiến dịch không kích Libya do NATO chỉ huy”.
Lá thư không quên nhắc lại quan điểm của chính quyền Gaddafi rằng xung đột tại Libya là vấn đề nội bộ, do đó Nghị quyết 1970 và 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép thực thi các biện pháp cấm vận và thiết lập vùng cấm bay ở Libya là lạm quyền.
Sau lá thư hồi tháng 4, ông Gaddafi được cho là lại vừa gửi thư đến Mỹ. Ảnh: EPA
Lá thư cũng cảm ơn các nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Obama vì đã tham gia vào cuộc chiến Libya, đồng thời kêu gọi Mỹ với tư cách là “một quốc gia dân chủ vĩ đại” giúp “định hình tương lai cho người dân Libya” và làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn với NATO.
“Không có gì nghi ngờ rằng các hành động quân sự, thay vì giải pháp chính trị, không giúp Libya an ninh và ổn định. Ngược lại chỉ khiến tình hình thêm nguy hiểm khi để cho Al-Qaeda và phe Hồi giáo cực đoan củng cố vị thế tại Bắc Phi, biến khu vực này trở thành Afghanistan và Iraq” – lá thư cảnh cáo.
Cuối thư là lời kêu gọi Quốc hội Mỹ tiếp tục “điều tra các hành động quân sự của NATO cùng đồng minh để chứng thực sự vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng như gây ra hơn 700 cái chết của dân thường Libya”.
Tuy vậy, phản ứng dành cho lá thư khá thờ ơ. “Chúng tôi đã nhận được lá thư nhưng không tốn nhiều thời gian để xác minh người đã viết ra nó. Nếu đó thật sự là ông Gaddafi, chúng tôi cũng không quan tâm ông ta nói gì, trừ khi là lời đề nghị từ chức” – một quan chức nói.
Trong khi đó, Voice of Russia dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng phía sau lá thư này là nỗ lực bám víu quyền lực và mạng sống của ông Gaddafi.
“Ông Gaddafi đã thất bại trong việc lôi kéo Trung Quốc, Nga hoặc Ấn Độ. Ông ta cũng nhận ra không thể đánh bại NATO, nhất là sau khi tổ chức này tuyên bố sẽ đánh đến cùng, kể cả có phải triển khai bộ binh. Chỉ còn hai lựa chọn cho ông ta: từ chức hoặc rút về sa mạc Sahara để chiến đấu du kích rồi chết như anh hùng” – ông Yevgeny Satanovsky, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông của Nga, phân tích.
Còn lý do khiến ông Gaddafi cầu viện Mỹ có thể do Mỹ tránh nhúng tay trực tiếp vào Libya dù trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ can thiệp quân sự vào đất nước Bắc Phi này.
Hiện ông Gaddafi đồng thời phải chịu hai cuộc điều tra, một do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tiến hành về cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, một do Tòa án Hình sự quốc tế điều tra về cáo buộc ra lệnh quân chính phủ Libya cưỡng hiếp hàng loạt.
Bình luận (0)