Sau khi khiến hàng triệu người thiệt mạng, trong đó có 36.000 lính Mỹ, cuộc chiến khép lại bằng một hiệp ước đình chiến vào tháng 7-1953 và đến nay hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Đến tháng 1-1968, các tàu Hải quân Triều Tiên bất ngờ tấn công và bắt giữ tàu do thám USS Pueblo của Mỹ ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này, khiến một thủy thủ thiệt mạng và 82 thuyền viên bị bắt. Các thủy thủ chỉ được trả tự do sau 11 tháng, khi Washington ký tuyên bố thừa nhận tàu Mỹ xâm nhập bất hợp pháp vùng biển Triều Tiên.
Bán đảo Triều Tiên bị đẩy đến bờ vực chiến tranh vào mùa hè năm 1976, khi 2 lính Mỹ bị binh sĩ Triều Tiên dùng rìu chém chết trong lúc đang chặt một cây bạch dương ở khu phi quân sự (DMZ). Mỹ tức giận điều máy bay ném bom B-52 bay thẳng đến DMZ. Căng thẳng chỉ được xoa dịu khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Il-sung (tức Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong-un) bày tỏ hối tiếc về vụ đổ máu được xem là khét tiếng nhất ở DMZ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp cố lãnh đạo Kim Jong-il tại thủ đô Bình Nhưỡng - Triều Tiên vào năm 2000 Ảnh: AP
Diễn biến chuyển hướng tích cực vào tháng 6-1994, với sự kiện cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến Triều Tiên đàm phán với lãnh đạo Kim Nhật Thành nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu hạt nhân, từ đó mở đường cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được tổ chức vào năm 2000.
Tình hình tiếp tục khởi sắc khi Phó Nguyên soái Jo Myong-rok đến Mỹ và chuyển thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-il cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào tháng 10-2000. Đáp lại, vài tuần sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến thăm Bình Nhưỡng để sắp xếp cuộc gặp giữa ông Clinton và nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, không khí hòa giải xoay chiều sau khi ông George W. Bush nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1-2001. Căng thẳng bùng phát trở lại vào năm 2002 với sự sụp đổ của "Thỏa thuận khung" về giải trừ vũ khí hạt nhân - được ký kết vào tháng 10-1994 giữa Mỹ và Triều Tiên (do Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật sử dụng urani làm giàu để duy trì chương trình hạt nhân).
Một trong những sự kiện không thể bỏ qua giữa Mỹ và Triều Tiên là các cuộc đàm phán 6 bên - gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Triều Tiên - diễn ra từ năm 2003-2008. Đến năm 2009, Triều Tiên chính thức rút khỏi đàm phán nhằm phản đối sự lên án của cộng đồng quốc tế về việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa. Sau khi ông Kim Jong-il qua đời, con trai ông - nhà lãnh đạo Kim Jong-un - lên nắm quyền vào cuối năm 2011 và tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí với mục tiêu chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn đến Mỹ.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm hồi năm ngoái sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 và phóng 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Song song đó, ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục có những lời lẽ hiếu chiến công kích đối phương. Tình hình chỉ hạ nhiệt khi ông Kim thay đổi chiến thuật từ đầu năm 2018 và cử phái đoàn đến dự Thế vận hội mùa đông ở miền Nam và gặp thượng đỉnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Bình luận (0)