xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gần 90% dân Syria chấp thuận hiến pháp mới

Bằng Vy (Theo Reuters, AFP)

(NLĐO) - Đài truyền hình quốc gia Syria tối 27-2 đưa tin khoảng 89,4% cử tri tán thành bản dự thảo hiến pháp mới do Tổng thống Bashar al-Assad đề xuất trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 26-2. Tuy nhiên, số người đi bỏ phiếu chỉ chiếm 57,4% dân số cả nước.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nội vụ Syria Mohammad Ibrahim al-Shaar, số cử tri ủng hộ hiến pháp mới là 7.490.319 người, tương đương với 89,4% tổng số cử tri bỏ phiếu. Số cử tri không đồng ý là 753.208 người, tương đương 9%. Số phiếu không hợp lệ là 132.920, chiếm 1,6%.
 
Bạo lực tiếp diễn
 
Chính quyền Syria tuyên bố số cử tri đi bỏ phiếu chiếm 57,4% dân số. Tuy nhiên, theo Reuters, các nhà ngoại giao nước ngoài đã đi khảo sát ở Damascus trong ngày trưng cầu và nhận thấy mỗi điểm bỏ phiếu chỉ có một ít cử tri.
  
img
Người biểu tình phản đối hiến pháp mới do Tổng thống Assad đề xuất ở Idlib. Ảnh: AP
 
Những cải cách hiến pháp của Tổng thống Assad nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình và bạo lực kéo dài 11 tháng qua ở nước này. Hiến pháp mới cho phép đa nguyên đa đảng, đồng thời quy định tổng thống Syria được bầu trực tiếp, sẽ cầm quyền tối đa trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 7 năm. 
 
Bản hiến pháp mới cũng sẽ đảm bảo cho Tổng thống Assad nắm quyền đến năm 2028. Tổng thống Assad trước đó đã cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 90 ngày nếu cử tri Syria thông qua bản hiến pháp này.
 
Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng bản hiến pháp mới chưa bao gồm đầy đủ những sửa đổi cần thiết cũng như cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý là trò hề giả dối.
 
Cùng ngày 27-2, một nhà hoạt động ở Homs có biệt danh Abu Bakr cho rằng Tổng thống Assad có ý định lặp lại cuộc thảm sát ở Hama năm 1982 khi bắn phá Homs 24 ngày liên tiếp. Năm 1982, chế độ Tổng thống Hafez al-Assad - cha của ông Bashar al-Assad - đã bắn phá thành phố miền trung Hama suốt 4 tuần để trấn áp cuộc nổi loạn của phong trào Anh em Hồi giáo, làm ít nhất 10.000 thiệt mạng.
 
Theo nguồn tin từ các nhóm đối lập, ít nhất 144 người đã thiệt mạng trên khắp Syria chỉ trong ngày 27-2, trong đó riêng thành phố Homs chết 104 người.
 
Ủy ban điều phối Syria cho biết những người ở Homs thiệt mạng khi đang tập trung tại một trạm kiểm soát thuộc khu vực Abel, sau khi chạy trốn khỏi những đợt pháo kích từ quận Baba Amr. Ngoài ra, có tới 68 thi thể khác được tìm thấy tại một khu vực nông nghiệp ở Homs, theo lời tổ chức Quan sát nhân quyền Syria. Tất cả nạn nhân bị bắn hoặc bị đâm.
 
img
Lực lượng chính phủ đã bắn phá Homs 24 ngày liên tiếp. Ảnh: AP
    
Trong diễn biến khác cùng ngày 27-2, Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim al-Thani cho rằng cộng đồng quốc tế nên cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria và các quốc gia Ả Rập nên tạo điều kiện ẩn náu an toàn cho lực lượng này. Hôm 24-2, Ả Rập Saudi cũng lên tiếng ủng hộ việc vũ trang cho phe nổi dậy Syria.
 
Thế giới phản ứng trái chiều
 
Phó Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Eduardo del Buey cho biết tổ chức này hoài nghi độ tin cậy của cuộc trưng cầu dân ý tại Syria. Tuy thừa nhận hiến pháp mới có thể là một phần của giải pháp chính trị, nhưng ông Buey cho rằng bất cứ cuộc bỏ phiếu nào ở Syria cũng phải tiến hành "trong điều kiện phi bạo lực và không có sự hăm dọa".
 
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Syria là hoàn toàn không đáng tin cậy khi bạo lực vẫn tiếp diễn tại Homs, Hama và nhiều thành phố khác ở Syria. Phe đối lập ở Syria cũng bác bỏ kết quả trưng cầu, cho rằng kết quả này "không đúng sự thật và đã bị bóp méo".
 
Ngược lại, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố hoan nghênh kết quả bỏ phiếu, coi đây là một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của người dân dành cho chính quyền. Tuyên bố nhấn mạnh: "Moscow đánh giá đây là một bước tiến quan trọng hướng tới cải cách của chính phủ Syria, nhằm đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ hiện đại".
 
Nga cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên ở Syria ngừng bạo lực ngay lập tức và khởi động một cuộc đối thoại vô điều kiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
 
EU tăng cường trừng phạt Syria
 
Cũng trong ngày 27-2, Liên minh châu Âu (EU) cho biết các ngoại trưởng EU đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt mới đối với Syria, kể cả việc phong tỏa tài sản ngân hàng trung ương của nước này.
 
Các biện pháp trừng phạt khác bao gồm phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với 7 nhân vật thân cận với Tổng thống Assad, cấm các chuyến bay chở hàng vào 27 nước thành viên và hạn chế buôn bán vàng hay các kim loại quý. Một số nước cũng yêu cầu cấm xuất khẩu phân lân từ Syria nhưng bị Hy Lạp, một trong những nhà nhập khẩu chính, phản đối.
 
Đến nay, EU đã liệt 150 thực thể và cá nhân Syria vào danh sách đen trừng phạt.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo