Hơn 14 triệu người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tham gia cuộc trưng cầu này. Đài truyền hình nhà nước quay trực tiếp từ một số điểm bỏ phiếu và đưa tin rằng một số lớn cử tri đã đi bỏ phiếu. Cử tri Balsam Kahila, 32 tuổi, cho biết: “Tôi đi bỏ phiếu vì đây là kết quả cuộc cải tổ mà tổng thống đưa ra. Nếu cuộc cải tổ thành công, chúng tôi sẽ có nền dân chủ, không giống như Libya và các nước khác”. Được hỏi liệu có đúng đắn không khi tổ chức trưng cầu dân ý trong khi máu vẫn cứ đổ ở nước này, chị nói: “Tôi bỏ phiếu bất chấp các băng nhóm vũ trang”.
Hiến pháp mới này kêu gọi bầu cử quốc hội đa đảng trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, phe đối lập cho rằng những thay đổi trong hiến pháp mới này hoàn toàn chỉ để tô điểm bên ngoài. Theo các quy định của bản hiến pháp mới, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ giữ chức vụ lãnh đạo Syria trong 16 năm nữa. Trong khi đó, phe đối lập khẳng định chỉ khi ông Assad rời bỏ quyền lực mới bù đắp được 11 tháng đàn áp của lực lượng an ninh khiến hơn 7.600 người tử vong.
Nga và Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ tiến trình này. Sau khi hội đàm ở Damascus hồi đầu tháng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trác Tuấn đã nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới cũng như cuộc bầu cử quốc hội sau đó sẽ diễn ra yên ổn”.
Trong khi đó, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria cho biết ít nhất 100 người chết trên khắp nước này hôm 25-2, trong đó có 72 thường dân. Khi cuộc bỏ phiếu trên bắt đầu lúc 7 giờ (giờ địa phương) tại 13.835 phòng phiếu, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở nhiều thành phố.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) vẫn không thể sơ tán các thường dân ra khỏi khu vực ngoại ô Baba Amro ở thành phố Homs. Sau một ngày đàm phán với nhà chức trách Syria và các chiến binh phe đối lập, tổ chức này nhấn mạnh vẫn chưa có kết quả cụ thể. Người phát ngôn ICRC Hicham Hassan quả quyết: “Chúng tôi tiếp tục thương lượng với hy vọng có thể vào Baba Amro trong ngày 26-2 để thực hiện các hoạt động cứu nạn”.
Bình luận (0)