Cử tri Mỹ sắp bầu chọn một trong những tổng thống lớn tuổi nhất từ trước đến giờ. Dù tuổi tác không nói lên tình hình sức khỏe nhưng câu hỏi được đặt ra là họ biết đến đâu về sức khỏe của 2 ứng viên Donald Trump, Hillary Clinton và liệu họ có đủ sức để đảm nhận trọng trách nói trên.
Đương đầu hàng loạt áp lực
Ông Trump vừa bước qua tuổi 70 vào tháng rồi trong khi bà Clinton sẽ tròn 69 tuổi vào ngày 26-10 tới. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, ông Trump sẽ qua mặt cựu tổng thống Ronald Reagan để trở thành người cao tuổi nhất ngồi vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng - “thành tích” của ông Reagan là 69 tuổi 349 ngày. Ông S. Jay Olshansky, nhà nghiên cứu vấn đề lão hóa thuộc Trường ĐH Illinois (Mỹ), cho rằng tuổi tác luôn đóng vai trò quan trọng khi đề cập đến nguy cơ mắc bệnh nhưng không nên xem đó là yếu tố quyết định đến việc làm tổng thống.
Ngoài tuổi tác, thông tin sức khỏe cũng được xem là một yếu tố không thể thiếu trong mùa bầu cử. Vào năm ngoái, các bác sĩ của bà Clinton và ông Trump đã công bố bức thư khẳng định 2 ứng viên này đều có sức khỏe tốt. Lá thư từ bác sĩ của bà Clinton dài gần 2 trang, được đính kèm các kết quả xét nghiệm cơ bản. Trong khi đó, lá thư từ bác sĩ của ông Trump chỉ có 4 đoạn và ít chi tiết hơn. Tuy nhiên, những thông tin như thế vẫn chưa đủ sức thuyết phục một số chuyên gia. Theo họ, cần có một ủy ban độc lập đánh giá sức khỏe của các ứng viên tổng thống.
Chuyện tổng thống Mỹ tìm cách “che giấu” điểm yếu về sức khỏe không phải là hiếm, như Tổng thống Woodrow Wilson với căn bệnh đột quỵ bí mật, Tổng thống Franklin D. Roosevelt mắc bệnh tim hoặc Tổng thống Grover Cleveland bí mật trải qua cuộc phẫu thuật ung thư trên một con tàu. Tiến sĩ James Dewar, làm việc tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Pittsburgh, nhận định đối với các ứng viên tổng thống, vấn đề không phải là bị bệnh gì mà là sức bền đến đâu và họ chuẩn bị sức khỏe ra sao để đương đầu với hàng loạt áp lực sắp tới”.
Ai khỏe hơn?
Sự tranh cử của các ứng viên tổng thống lớn tuổi không có gì đáng ngạc nhiên, nhất là khi tuổi thọ trung bình tăng lên mức cao kỷ lục và người cao tuổi hoạt động ngày một tích cực. Tuy nhiên, tuổi cao lại làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ). Bằng chứng là ông Reagan được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer vài năm sau khi rời Nhà Trắng. Theo ông Dewar, hiện chưa có cách gì dự báo về sự “xuống cấp” của bộ não theo thời gian. Việc tập thể dục thường xuyên, ăn uống và ngủ điều độ là những gì nên làm để giữ cơ thể và bộ não khỏe mạnh.
Trước mắt, cử tri Mỹ ít nhiều có thể hài lòng với hồ sơ sức khỏe của 2 ứng viên mà họ sắp lựa chọn để kế nhiệm Tổng thống Barack Obama. Theo hãng tin AP, cả ông Trump và bà Clinton đều có huyết áp ổn định. Riêng ông Trump phải dùng thuốc để giảm cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư đại tràng. Trong khi đó, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ không có vấn đề về tim mạch trong lúc hàm lượng cholesterol trong máu không có gì đáng ngại.
Bác sĩ của bà Clinton cho biết thêm nữ ứng viên này đã phục hồi hoàn toàn sau cơn chấn động não sau cú ngã năm 2012. Bà cũng từng bị chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (chứng bệnh có liên quan đến tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể), giảm năng tuyến giáp, dị ứng phấn hoa... Trong khi đó, ông Trump từng phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa năm 10 tuổi. Cả hai cũng có cách riêng để duy trì sức khỏe. Chẳng hạn, bà Clinton thường tập yoga, đi bộ, ăn nhiều trái cây và rau quả. Trong khi đó, ông Trump thích ăn thịt đỏ và tỏ ra tự hào không phải là người ngủ nhiều khi chỉ ngủ từ 3-4 giờ/ngày.
Đủ sức làm tổng thống 8 năm
Nghiên cứu của ông Olshansky chỉ ra rằng nhiều tổng thống sống lâu hơn nhiều người khác trong thời mình là nhờ được chăm sóc sức khỏe “đến tận răng” - điều mà bà Clinton và ông Trump đang tận hưởng. Vì thế, ông Olshansky tin rằng cả hai nhân vật này đều có đủ sức khỏe để làm tổng thống trong 8 năm.
Bình luận (0)