Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, 12-4 cũng là ngày Pháp nhận 200.000 liều vắc-xin Johnson & Johnson (chỉ cần 1 liều tiêm) đầu tiên, sớm hơn kế hoạch 1 tuần.
Tờ The Local cho biết chương trình tiêm chủng ở Pháp dù khởi động trễ nhưng đã tăng tốc đáng kể những tuần gần đây. Tuần trước, Pháp đạt mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người sớm 1 tuần và mục tiêu kế tiếp là 20 triệu người được tiêm chủng với ít nhất 1 liều vào giữa tháng 5. Với kế hoạch hiện nay, Pháp có thể mở rộng tiêm cho người dưới 55 tuổi không có bệnh nền vào giữa tháng 6.
Úc bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 từ tháng 2 Ảnh: AP
Số liệu tiêm chủng của Mỹ cũng tích cực khi tính tới ngày 11-4, nước này có hơn 119,2 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều trong khi hơn 72,6 triệu người được tiêm đầy đủ.
Trong khi đó, theo Reuters, Úc đã bỏ mục tiêu tiêm chủng cho gần như toàn bộ dân số 26 triệu người của mình vào cuối năm 2021, sau khi giới chức y tế nước này khuyến cáo không tiêm vắc-xin của AstraZeneca cho người dưới 50 tuổi do lo ngại các trường hợp đông máu hiếm gặp.
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 11-4 cho biết Úc không đặt ra bất cứ mục tiêu tiêm chủng mới nào nữa. Vắc-xin AstraZeneca vốn được xem là xương sống của chương trình tiêm chủng trị giá 7 tỉ AUD (khoảng 5,32 tỉ USD) của Úc. Tính đến ngày 11-4, Úc mới có 1,16 triệu người được tiêm chủng, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 4 triệu người vào cuối tháng 3.
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương cũng tạm dừng hoặc hạn chế dùng vắc-xin của AstraZeneca. Hàn Quốc cho biết sẽ nối lại việc tiêm chủng vắc-xin trên trong tuần này sau thời gian tạm dừng nhưng chỉ sử dụng cho người từ 30-60 tuổi.
Hơn nữa, việc khống chế dịch tương đối tốt cộng với tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở nhiều nước khu vực này, như Úc, Trung Quốc, Singapore..., hiện ở mức gần như bằng 0 khiến kế hoạch tiêm chủng không quá cấp bách. Tuy nhiên, cũng vì tỉ lệ tiêm chủng thấp mà miễn dịch cộng đồng toàn cầu không đạt được sớm.
Bình luận (0)