xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gấp rút tìm vắc-xin Covid-19 thế hệ mới

XUÂN MAI

Hai gã khổng lồ dược phẩm của Anh cùng các đối tác tham gia cuộc cạnh tranh bào chế vắc-xin Covid-19 thế hệ tiếp theo có thể chống lại nhiều biến thể

Tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) và Công ty Công nghệ sinh học CureVac (Đức) công bố kế hoạch hợp tác trị giá 180 triệu USD để phát triển loại vắc-xin chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Vắc-xin mới của GSK sẽ dựa trên loại vắc-xin thế hệ đầu tiên của CureVac - đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng.

Hai công ty đưa ra tuyên bố chung cho rằng sự gia tăng các biến thể mới có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin thế hệ đầu tiên nên đòi hỏi phải tăng tốc đón đầu đại dịch. Các loại vắc-xin thế hệ tiếp theo có thể được sử dụng để bảo vệ người chưa được tiêm chủng hoặc làm mũi tiêm tăng cường trong trường hợp khả năng miễn dịch từ lần tiêm đầu giảm theo thời gian. Kế hoạch của GSK và CureVac sẽ bắt đầu ngay với mục tiêu ra mắt vắc-xin thế hệ mới vào năm 2022.

Không nằm ngoài cuộc đua, hãng AstraZeneca (Anh) và Trường ĐH Oxford (Anh) thông báo dự kiến ra mắt vắc-xin thế hệ tiếp theo sớm nhất vào mùa thu năm nay. Ông Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm vắc-xin Oxford thuộc Trường ĐH Oxford, cho biết AstraZeneca và trường của ông tự tin rằng vắc-xin mới sẽ chống được biến chủng lần đầu được phát hiện tại Anh.

Công ty dược Moderna (Mỹ) cho biết vắc-xin của họ có hiệu quả với 2 biến thể ở Anh, Brazil và đang sản xuất mũi tiêm tăng cường chống biến thể ở Nam Phi. Trong khi đó, hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hiện cũng phát triển loại vắc-xin đối phó các biến chủng mới.

Ông Nadhim Zahawi, Bộ trưởng phụ trách triển khai vắc-xin Anh, cho biết các hãng dược đang nỗ lực cải tiến vắc-xin trong bối cảnh có khoảng 4.000 biến thể SARS-CoV-2 trên thế giới. Ông Zahawi cho hay: "Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca và các hãng dược khác đang cải tiến vắc-xin của họ để bảo đảm chúng ta sẵn sàng đối phó mọi biến thể". Trong số hàng ngàn biến thể này, các biến thể được phát hiện tại Anh, Nam Phi và Brazil dường như lây lan nhanh hơn.

Gấp rút tìm vắc-xin Covid-19 thế hệ mới - Ảnh 1.

Một phụ nữ được tiêm vắc-xin ở thị trấn Chesterfield - Anh hôm 3-2 Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, không chỉ dẫn đầu cuộc đua bào chế vắc-xin thế hệ mới, Anh hôm 4-2 đã khởi động một cuộc thử nghiệm để đánh giá phản ứng miễn dịch được tạo ra nếu kết hợp 2 liều vắc-xin của Pfizer và AstraZeneca.

Các nhà nghiên cứu Anh cho biết cuộc thử nghiệm có thể giúp đánh giá khả năng tiêm phòng linh hoạt hơn trên toàn thế giới. Dữ liệu ban đầu về phản ứng miễn dịch trong cuộc thử nghiệm dự kiến được công bố vào tháng 6 tới.

Thử nghiệm sẽ kiểm tra các phản ứng miễn dịch liều ban đầu của vắc-xin Pfizer, sau đó là liều tiêm bổ sung của AstraZeneca, cũng như ngược lại, với khoảng thời gian từ 4-12 tuần. Trong khi đó, vắc-xin của AstraZeneca cũng đang được thử nghiệm kết hợp với vắc-xin Sputnik V của Nga trong bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 2,2 triệu người chết do đại dịch Covid-19.

Theo trang Our World in Data (Anh) và dữ liệu tính đến hôm 3-2 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, khoảng 104,9 triệu liều vắc-xin đã được tiêm, cao hơn con số 104,1 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.

Israel hiện vượt xa phần còn lại của thế giới khi tiêm chủng cho 28% dân số, theo sau là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh, Bahrain, Mỹ và tiếp đó là Tây Ban Nha, Ý và Đức. Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân sẵn sàng tiêm vắc-xin cũng gia tăng trên thế giới, với hơn 1/2 số người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ sẽ tiêm chủng.

Kết quả cuộc khảo sát tiến hành trên 13.500 người tại 15 quốc gia cho thấy trong khi sự tin tưởng tăng lên ở một số quốc gia châu Âu thì các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore lại giảm niềm tin vào vắc-xin Covid-19. Đáng chú ý, người dân Pháp có mức độ hoài nghi cao nhất. 

Nhen nhóm hy vọng

Giới chức Anh ngày 3-2 thông báo nước này đã vượt qua đỉnh của đợt lây nhiễm Covid-19 hiện nay sau khi đạt được cột mốc tiêm chủng cho 10 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số.

Chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của Anh được đánh giá là thành công nhất cho tới nay ở châu Âu và sẽ kịp tiến độ tiêm chủng cho 15 triệu cư dân có nguy cơ nhiễm bệnh cao trước ngày 15-2, theo hãng tin Bloomberg.

Tuy số ca nhiễm đang giảm xuống song giới chức Anh cảnh báo tình hình lây nhiễm vẫn rộng khắp. Thủ tướng Boris Johnson cũng khẳng định chỉ bắt đầu xem xét lại lệnh phong tỏa 3 tuần sau ngày 15-2.

Ông Johnson dự kiến công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 22-2, đồng thời cho rằng "các tia hy vọng đang thắp lên" song số người mắc bệnh vẫn "cao đáng báo động". Anh đã ghi nhận hơn 109.000 người tử vong vì Covid-19 và nước này đang suy thoái nghiêm trọng nhất trong hơn 300 năm qua.

Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận 30 ca nhiễm mới trong ngày 3-2, thấp hơn nhiều so với con số cao nhất của làn sóng lây nhiễm mới hồi tháng trước. Các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và xét nghiệm diện rộng gắt gao đã được triển khai trong bối cảnh Tết nguyên đán sẽ bắt đầu vào ngày 11-2 tới.

Sau khi chính quyền các cấp kêu gọi người dân hạn chế về quê và du lịch dịp Tết, số lượt di chuyển trong đợt "Xuân vận" năm nay ở Trung Quốc dự kiến giảm mạnh. Báo China Daily dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính có 1,15 tỉ lượt di chuyển trong 40 ngày "Xuân vận" (bắt đầu từ ngày 28-1 tới 8-3), giảm 20% so với năm 2020 và giảm hơn 60% so với năm 2019.

Hải Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo