Ông Yatsenyuk tuyên bố một trong những nhiệm vụ của chính phủ hiện nay là thu hút tối đa các nhà đầu tư và nguồn vốn của Mỹ.
Trong khi đó, theo các nhà kinh tế, cuộc chiến mà chính phủ Ukraine nhằm vào các doanh nhân có mối quan hệ làm ăn với Nga sẽ khiến tiềm lực sản xuất của Ukraine giảm ít nhất 40% trong 5 năm tới. Cụ thể là câu chuyện đối đầu giữa Kiev và tỉ phú Dmytro Firtash, một trong những người giàu nhất Ukraine với tài sản trị giá 35,8 tỉ hryvnia.
Sau khi thu giữ 50 triệu km3 khí đốt - trị giá 4,3 tỉ hryvnia - trong kho của ông Firtash, Kiev còn tịch biên hàng chục bất động sản của nhà tài phiệt này. Ngay từ tháng 9-2014, ông Firtash đã bị gây áp lực phải hiến số khí đốt dự trữ mà ông mua của Nga bằng tiền riêng.
Nhà nước Ukraine cũng tước quyền sở hữu những tài sản công nghiệp chủ chốt của tỉ phú Firtash, trước hết là các nhà máy chế biến - khai thác mỏ Irshanskiy và Volnogorskiy. Tiếp đó, 2 nhà máy phân bón Cherkasy Azot và Rivneazot bị nhăm nhe quốc hữu hóa, một động thái mà tập đoàn DF của tỉ phú Firtash cho là mang tính khiêu khích, chỉ nhằm tái phân phối thị trường phân bón.
“Đúng là chính phủ của Thủ tướng Yatsenyuk đã gây chiến khi đóng cửa các nhà máy hóa học, chế tạo máy, luyện kim lớn thuộc quyền sở hữu của các nhà tài phiệt không gần gũi với chính quyền đương nhiệm hoặc có khuynh hướng hợp tác với Nga” - Tổng giám đốc Trung tâm Phân tích Ukraine Alexander Okhrimenko nhận xét.
Cáo buộc chính phủ Yatsenyuk làm mất 600.000 việc làm, tăng thuế và biến ngành công nghiệp Ukraine thành phế liệu kim loại, tỉ phú Firtash nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn kênh Inter: “Thật đáng tiếc, chúng ta phải đấu tranh chống chính phủ hiện nay. Khi thấy không thể chiến thắng ở Donbass, họ quay sang gây sự với các nhà tài phiệt”.
Bình luận (0)