Sau cuộc xung đột với Nga năm 2008, Tbilisi không còn kiểm soát khu vực Nam Ossetia hay Abkhazia nhưng hầu hết các nước và Liên Hiệp Quốc vẫn xem chúng là một phần lãnh thổ của Georgia.
Quân đội Nga lắp đặt hàng rào thép gai quanh Nam Ossetia và đến ngày 13-7, cư dân Georgia nói rằng Moscow đã cắm cột mốc biên giới vào sâu trong lãnh thổ của họ, cách 1,5 km so với đường ranh giới hành chính giữa 2 nước.
Bộ Ngoại giao Georgia đã bày tỏ quan ngại về vị trí “bất hợp pháp của cột mốc” với ý định đánh dấu biên giới của quân đội Nga, đồng thời lên án Moscow đặt một phần đường ống dẫn dầu Baku-Supsa (Công ty BP quản lý) kế bên làng Orchosani và nằm trong khu vực “chiếm đóng trái phép”.
Điện Kremlin không bình luận về các cáo buộc.
Đường ống Baku-Supsa dài 830 km chạy từ Azerbaijan tới Supsa ở ven bờ Biển Đen của Georgia, có khả năng vận chuyển khoảng 100.000 thùng dầu/ngày.
Hãng tin ANS trích lời phát ngôn viên BP Tamam Bayatly khẳng định: “BP đã cung cấp dầu khí của Azerbaijan cho thị trường thế giới một cách tin cậy, hiệu quả và an toàn trong hơn 15 năm qua, và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”.
Tuy nhiên, đặc phái viên Georgia Zurab Abashidze chuyên về quan hệ đặc biệt với Nga, gọi đó là một “hành động cố ý khiêu khích cực kỳ nguy hiểm trong một khu vực nơi mà an ninh và hòa bình đang treo bằng một sợi dây mong manh”.
Châu Âu xem Georgia là đối tác chiến lược vì nước này có đường ống dẫn dầu cung cấp một lượng lớn sản phẩm cho họ. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này đang tìm cách trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO và Liên minh châu Âu (EU). Dù không có quan hệ ngoại giao với Nga nhưng Georgia từng tuyên bố chính sách đối ngoại của mình không phải để đối chọi với Nga.
Bình luận (0)