Mùa hè năm 2015, Tổng thống Assad gặp rắc rối. Quân đội của ông chiến đấu trên nhiều mặt trận trở nên kiệt sức và để mất nhiều vùng lãnh thổ. Trong khi đó, các nhóm phiến quân Hồi giáo đe dọa cắt đứt các tuyến đường huyết mạch nối liền những thành trì của Damascus.
Sau đó, một tướng lĩnh cấp cao Iran đã tới thủ đô Moscow của Nga và cuộc xung đột ở Syria bắt đầu đổi chiều. Vị tướng đó là Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Khi đó, ông Soleimani nhận ra rằng cuộc nội chiến ở Syria đang diễn biến theo chiều hướng xấu, bất chấp Damascus có sự giúp đỡ của lực lượng dân quân thân Iran và phong trào Hezbollah của Lebanon.
Sự xuất hiện của ông Soleimani ở Moscow đã cứu Tổng thống Assad nhưng khiến Syria tiếp tục bị tàn phá ở quy mô lớn hơn bao giờ hết. Trong 2 năm tiếp theo, Nga và Iran phát động chiến dịch tấn công các nhóm phiến quân chống Damascus. Tuy nhiên, hậu quả để lại không hề nhỏ.
Vào cuối mùa hè năm 2015, quân đội của Tổng thống Assad kiểm soát chưa đến 1/4 lãnh thổ Syria. Tổng thống Assad quyết định ân xá những người đào ngũ trong lúc từ bỏ chiến lược triển khai binh sĩ đến mọi ngõ ngách của đất nước. Thay vào đó, chính quyền Syria tập trung nguồn lực bảo vệ Damascus cùng hành lang dẫn tới bờ biển.
Moscow lo lắng rằng Tổng thống Assad sẽ bị lật đổ và Syria, đồng minh lâu năm của Nga, sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn như Yemen. Điện Kremlin tính toán rằng sự kết hợp của không lực Nga và bộ binh Iran có thể đảo ngược cuộc chiến. Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sự can dự của phương Tây vào Trung Đông là một thảm họa. Ông chủ Điện Kremlin cho rằng thay vì mang lại dân chủ và tiến bộ, khu vực này chỉ có bạo lực, nghèo đói, thảm họa xã hội và tình trạng coi thường nhân quyền. Song song với chỉ trích này, chiến đấu cơ đầu tiên của Nga đã đến một căn cứ ở bờ biển Syria.
Đối với Tổng thống Putin, một cuộc viễn chinh ở Syria sẽ thể hiện sức mạnh quân sự của Nga, bảo vệ chỗ đứng của Moscow ở Địa Trung Hải và cho thấy sự trên cơ đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó. Đối với ông Soleimani và lực lượng tinh nhuệ Quds, sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Iran tại Syria sẽ giúp nước này thiết lập vòng cung ảnh hưởng từ Tehran tới Beirut - Lebanon.
Chiến tranh khiến Syria bị tàn phá nặng nề Ảnh: REUTERS
Điện Kremlin tuyên bố không lực Nga sẽ tiêu diệt các nhóm "khủng bố" ở Syria. Trên thực tế, mục tiêu bị cho là quân nổi dậy ôn hòa được Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh hỗ trợ. Vào cuối năm 2015, máy bay của Nga thường triển khai hơn 100 chuyến bay mỗi ngày. Trong khi đó, hàng ngàn tay súng Hezbollah, các thành viên Quds và quân đội Syria dần giành lại lãnh thổ từ phiến quân ở phía Bắc và Tây Bắc. Không có nhiều vũ khí chống chọi với xe tăng và máy bay, quân nổi dậy bắt đầu thất thế.
Mặt khác, quân nổi dậy Syria tức giận vì Mỹ chỉ tập trung không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chứ không phải chính quyền ông Assad. Damascus cũng được hưởng lợi từ việc phiến quân chia rẽ và giao tranh với nhau, nhất là khi IS muốn xóa sạch những nhóm còn lại.
Đến giữa năm 2016, quân đội Syria - được Nga hỗ trợ trang thiết bị, Hezbollah và lực lượng Iran yểm trợ - đã tái chiếm phía Đông tỉnh Aleppo. Hàng ngàn phiến quân và gia đình họ phải sơ tán đến tỉnh Idlib dưới hành lang do Nga làm trung gian. Sau chiến thắng này, Tổng thống Assad và Nga có thể chuyển sự chú ý sang những khu vực nổi dậy khác và những địa phương rơi vào tay IS, trong đó có tỉnh Deir ez-Zor giàu dầu mỏ.
Chiến thắng của Tổng thống Assad thể hiện ở chỗ sự lãnh đạo của ông hiện không có lựa chọn thay thế nào nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế. Tuy nhiên, ông đã thất bại ở chỗ đất nước mà ông lãnh đạo đang bị tàn phá nặng nề.
Ước tính chi phí tái thiết Syria có thể từ 100 tỉ USD trở lên. Vấn đề là các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế khó có thể mạo hiểm đổ tiền vào Syria cho đến khi nhìn thấy một thỏa thuận chính trị đáng tin cậy. Ả Rập Saudi sẽ không rót vốn vào một quốc gia đang chịu sự kiểm soát của Iran. Trong khi đó, Nga lại không có tiền.
Một thách thức khác là các nhóm phiến quân vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn ngay cả khi đang thất thế và không còn kiểm soát nhiều lãnh thổ như trước. Họ có kinh nghiệm chiến đấu và có thể chuyển sang chiến thuật du kích. Chế độ Assad đang kiểm soát hơn nửa lãnh thổ Syria nhưng gần như toàn bộ khu vực biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nằm ngoài tầm với của Damascus.
Tóm lại, 7 năm xung đột đã để lại cho Syria một di sản độc hại của chủ nghĩa cực đoan, sự ngờ vực và tình trạng nghèo khổ cùng cực.
Bình luận (0)