Theo Reuters hôm 7-12, ban đầu, Philippines đồng ý mua 16 chiếc trực thăng Bell 412 của Canada. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị hủy bỏ vào tháng 2 sau khi Canada bày tỏ lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để chống lại phiến quân ở Philippines.
Manila sau đó xem xét một số trực thăng khác bao gồm S-70 Black Hawk của Tập đoàn Sikorsky, Mi-171 của Nga, Surion của Hàn Quốc và AW139 của Công ty Agusta Westland (Ý).
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết lực lượng không quân nước này sẽ ký hợp đồng mua 16 máy bay trực thăng Black Hawk của Mỹ vào đầu năm tới mặc dù Nga chào giá thấp hơn.
Ông Lorenzana giải thích rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu quân sự của Nga khiến thỏa thuận giữa Manila và Moscow (nếu có) khó thành hiện thực.
Philippines sẽ mua 16 máy bay trực thăng Black Hawk từ Tập đoàn máy bay Sikorsky (Mỹ). Ảnh: Wikimedia
Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đạo luật trừng phạt Nga về việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ủng hộ chính phủ Syria và tình nghi can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 - cáo buộc mà Điện Kremlin đã phủ nhận.
Các đồng minh của Mỹ như Philippines nếu mua vũ khí và trang thiết bị từ Nga - nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới - cũng sẽ bị trừng phạt, đồng thời có thể gặp gián đoạn trong quá trình chuyển giao vũ khí.
Reuters cho biết S-70 Black Hawk được phân loại là máy bay trực thăng tiện ích. Lực lượng không quân Philippines cũng lên kế hoạch mua 10 chiếc trực thăng tấn công vào năm 2019. Trong 5 năm tới, Philippines dự chi 300 tỉ peso (5,6 tỉ USD) để nâng cao khả năng phòng thủ, thay thế các chiến hạm từ thời Thế chiến thứ hai cùng phi đội máy bay chiến đấu và trực thăng già nua.
Gần đây, Philippines đã mua 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ của Hàn Quốc, tàu hậu cần của Indonesia, xe bọc thép và tên lửa của Israel.
Bình luận (0)