Các nhà phân tích dự báo con số này có thể giảm còn 25 USD/thùng hoặc thấp hơn trong những tuần tới. “Iran từng là nhà sản xuất dầu lớn. Khi thoát lệnh trừng phạt, nước này có thể tăng đáng kể lượng dầu xuất khẩu khiến tình trạng dư thừa của thị trường thêm trầm trọng” - ông Vasu Menon, Phó Chủ tịch Ngân hàng OCBC (Singapore), nhận định với kênh Channel NewsAsia.
Ngân hàng ANZ nói thêm Tehran có thể áp dụng chiến lược giảm giá để thu hút khách hàng, từ đó càng gây thêm sức ép lên giá dầu.
Một số nhà phân tích cho rằng tác động từ Iran có thể không kéo dài. Một lý do là Tehran sẽ khó duy trì sản lượng khai thác ở mức cao nếu giá tiếp tục thấp, theo nhà phân tích Daniel Ang của Công ty Phillip Futures (Singapore). Theo ông Ang, mức giá dưới 30 USD/thùng có thể khiến lợi nhuận từ bán dầu của Iran sụt giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất dầu lâu dài của quốc gia Trung Đông này.
Trái lại, ông Alejandro Barbajosa, Phó Chủ tịch Công ty Argus Media (Anh), cho rằng chi phí sản xuất dầu thô của Iran chưa đến 10 USD/thùng nên mức giá hiện nay không phải là vấn đề lớn với họ. “Mục tiêu của Iran lúc này là chứng tỏ tiềm năng sản xuất và khôi phục thị phần nên họ sẽ tăng cường khai thác ngay khi có thể” - chuyên gia này nhận định.
Chưa kịp vui vì được dỡ bỏ lệnh trừng phạt hạt nhân, Iran hôm 17-1 tiếp tục bị Bộ Tài chính Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt mới liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo. Theo đài BBC, biện pháp này cấm 11 tổ chức, cá nhân “có liên hệ” với chương trình trên sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Iran ngay lập tức lên án biện pháp trừng phạt “trái pháp luật” của Washington, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện khả năng tên lửa của mình.
Bình luận (0)