Giá dầu hôm 18-8 sụt giảm do nỗi lo về tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và khả năng Mỹ tăng lãi suất cao lấn át chuyện nguồn cung có dấu hiệu bị siết chặt. Giá dầu WTI của Mỹ và giá dầu thô Brent của Anh có lúc giảm xuống còn 80,3 USD/thùng và 83,91 USD/thùng.
Trước khi có diễn biến trên, giá dầu đã tăng liên tục trong 7 tuần, một phần nhờ động thái cắt giảm sản lượng của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+). Theo Reuters, giá dầu Brent và giá dầu WTI đã lần lượt tăng 18% và 20% trong chuỗi 7 tuần kết thúc vào ngày 11-8.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tập trung kiềm chế lạm phát trong bối cảnh dữ liệu kinh tế khởi sắc hơn dự kiến đã kìm hãm giá dầu. Bộ Lao động Mỹ hôm 17-8 ghi nhận số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm trong tuần trước, diễn biến cho thấy thị trường việc làm mạnh mẽ có thể giúp kéo dài chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của FED nhằm hạ nhiệt nền kinh tế.
Trước đó, báo cáo được công bố vào đầu tuần này cho thấy nhiều dữ liệu kinh tế lạc quan ở Mỹ, trong đó có doanh số bán lẻ. Các nhà đầu tư lo ngại chi phí vay cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, qua đó làm giảm nhu cầu tổng thể, trong đó có nhu cầu về dầu.
Nhà máy lọc dầu ở TP Carson, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS
Cùng với những lo ngại nói trên, một loạt dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, mất đà nhanh chóng kể từ quý II/2023. Điều này làm dấy lên nỗi lo về nhu cầu dầu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định giá dầu có thể tăng trở lại trong những ngày tới, một phần vì nguồn cung bị thắt chặt do động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+. Một lý do khác là nhu cầu ngày càng tăng ở Mỹ, phần lớn do hoạt động công nghiệp được cải thiện và việc đi lại nhiều hơn.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 16-8 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm gần 6 triệu thùng, xuống còn 439,7 triệu thùng trong tuần trước do xuất khẩu và công suất lọc dầu tăng mạnh.
Cũng trong tuần qua, tồn kho xăng giảm 300.000 thùng, xuống 216,2 triệu thùng. Dự trữ dầu thô và xăng giảm trong những tháng mùa hè khi lượng phương tiện đi lại ở mức cao kỷ lục, từ đó báo hiệu nhu cầu trong nước tăng cao.
Ngoài ra, báo cáo của Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) hôm 18-8 cho rằng sản lượng dầu của Mỹ đang bù đắp cho sự thiếu hụt bắt nguồn từ sự cắt giảm của OPEC+. Dù vậy, theo ANZ, số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ giảm đồng nghĩa với việc sự hỗ trợ đó có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn.
Trước đó, báo cáo mới của EIA dự báo sản lượng dầu ở Mỹ sẽ tăng lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Đến năm 2024, con số này dự kiến tăng thêm 330.000 thùng/ngày, lên 13,09 triệu thùng/ngày.
Những dự báo đáng chú ý
Ngân hàng Bank of America (BofA, Mỹ) vừa đưa ra dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức 90 USD/thùng vào năm tới với nguồn cung và cầu gần như cân bằng. Với dầu WTI, con số này là 85 USD/thùng.
Theo các chuyên gia của BofA, mức giá tăng lên 100 USD/thùng đòi hỏi OPEC+ cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ hơn nữa, sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ hoặc nhu cầu mạnh mẽ hơn. Đây được xem là những kịch bản khó có thể xảy ra, nhất là khi BofA dự báo GDP thế giới tăng trưởng 3% năm 2023 và 2,8% năm 2024.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã nâng dự báo về giá dầu trong báo cáo công bố đầu tháng này.
Cụ thể, với giá dầu thô Brent, con số này sẽ đạt mức trung bình 82,62 USD/thùng trong năm nay và 86,48 USD/thùng năm tới, so với mức 79,34 USD/thùng và 83,51 USD/thùng trong dự báo trước đó. Với giá dầu thô WTI, con số này lần lượt tăng lên 77,79 USD/thùng năm 2023 và 81,48 USD/thùng năm 2024.
Theo EIA, giá dầu tăng là do Ả Rập Saudi tình nguyện cắt giảm sản lượng và nhu cầu toàn cầu cải thiện. Những yếu tố này sẽ khiến dự trữ dầu toàn cầu sụt giảm, từ đó gây thêm sức ép tăng giá dầu. Tuy nhiên, EIA nhận định sản lượng dầu toàn cầu năm tới sẽ gia tăng và theo kịp với nhu cầu, từ đó thúc đẩy giá dầu bắt đầu giảm trong quý II/2024.
Hoàng Phương
Bình luận (0)