Nguyên nhân là do nhu cầu của các nước châu Âu cũng như Trung Quốc giảm mạnh trong khi nguồn cung lại tăng. Lúc này, nhiều thành viên lớn thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đặc biệt là Ả Rập Saudi, vẫn chưa có kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác, còn lượng dầu sản xuất của Mỹ hiện đã tăng 65% so với 5 năm trước.
Theo tờ The Guardian (Anh), có lợi lúc này là những nước nhập khẩu dầu lớn và những nước có tỉ lệ lạm phát cao, như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Ngược lại, chuốc phần thua là những nước xuất khẩu dầu, có thể kể ra Venezuela, Iran, Nga...
Gần đây, Venezuela liên tục kêu gọi OPEC tổ chức họp bất thường trước phiên họp dự kiến vào ngày 27-11 tới. Là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, Venezuela dựa hoàn toàn vào đây để thanh toán toàn bộ hàng nhập khẩu. Chỉ cần giá dầu đứng ở 100 USD/thùng, nước này đã phải “ăn” vào nguồn tiền dự trữ trong khi với mức 80 USD/thùng, Venezuela sẽ đối mặt với bất ổn xã hội.
Tương tự, Tehran cũng muốn OPEC họp khẩn, đồng thời đổ trách nhiệm kìm giá dầu lên Ả Rập Saudi. Lệnh trừng phạt của phương Tây đã đẩy Iran từ nước sản xuất dầu lớn thứ tư (năm 2010) của OPEC xuống hạng 8. Hiện nay, Iran cần giá dầu ổn định trên mức 140 USD/thùng để bảo đảm ngân sách an toàn.
Công ty dầu Lukhoil (Nga) triển khai giếng dầu ở Tây Siberia vào ngày 8-10. Nga đang tích cực tìm các đối tác mới như Trung Quốc, Armenia... để đối phó lệnh trừng phạt phương Tây. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, mọi ánh mắt đang đổ về Nga, vốn đang vật lộn với các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Theo báo Guardian, 105 USD/thùng là “ngưỡng chịu đựng” của Nga. Ngân sách Liên bang Nga trong năm 2014 được tính toán dựa trên giá dầu 93 USD/thùng trong khi dự thảo cho ngân sách năm 2015 đặt cơ sở ở khoảng 95 USD/thùng.
Tờ Vzglyad (Nga) cảnh báo giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì ngân sách Nga thiệt hại 80 tỉ rúp (tức 2 tỉ USD). Hệ quả của giá dầu giảm là đồng rúp rớt giá kỷ lục, lần đầu tiên rơi xuống mức 1 USD = 41 rúp hôm 15-10, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga đã bỏ ra gần 7 tỉ USD để giữ giá đồng rúp chỉ trong tháng này.
Đài CNN (Mỹ) nhận định dầu là chìa khóa giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm giữ quyền lực vào năm 2000 nhưng cũng chính giá dầu góp phần hạ bệ 2 người tiền nhiệm của ông là Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin. GS Konstantin Sonin của Trường Kinh tế Moscow nhận định khó khăn kinh tế chồng chất sẽ thử thách sự ủng hộ của giới doanh nhân hàng đầu của Nga dành cho ông Putin.
“Tay chơi” bí ẩn trong cuộc chiến giá dầu lúc này là Ả Rập Saudi, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Theo Guardian, Riyadh cần giá dầu ở mức 93 USD/thùng để cân bằng ngân sách nhưng vẫn “sống” được với giá 80 USD/thùng trong vòng 1-2 năm.
Theo đài CBS, lý do công khai để Ả Rập Saudi không cắt bớt sản lượng là muốn giữ thị phần. Tuy nhiên, phát biểu trên đài phát thanh Russkaya Sluzhba Novostei, người phát ngôn Mikhail Leontyev của công ty quốc doanh Nga Rosneft chỉ trích: “Ả Rập Saudi đang hạ giá dầu nhằm thao túng chính trị”.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn các quan chức Điện Kremlin cũng cáo buộc Mỹ bắt tay với Ả Rập Saudi kéo giá dầu xuống nhằm gây thiệt hại cho các đối thủ như Nga, Iran. Nhưng theo báo Financial Times, dường như ngay cả Washington cũng nằm trong tầm ngắm của Riyadh bởi lẽ giá dầu giảm sẽ gây khó khăn cho ngành công nghiệp dầu đá phiến sét của Mỹ. Qua đó, Ả Rập Saudi có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của nước đồng minh “khó bảo” này.
Bình luận (0)