Vụ việc xảy ra sáng 14-5, khi Roni và đồng đội canh phòng trước cổng sở cảnh sát. Trước đó một ngày, một gia đình 6 người gây ra 3 vụ đánh bom liều chết tấn công 3 thánh đường Công giáo làm rúng động cả thành phố. Sở cảnh sát phòng ngừa sẽ có thêm một vụ tấn công khác nhắm vào sở nên bố trí nhiều vòng an ninh. Sự đề phòng này không hề thừa.
Bản năng dạy bảo
Camera an ninh cho thấy 5 người chở nhau trên 2 chiếc xe máy chạy với tốc độ cao. Trên người họ đeo đầy chất nổ tự tạo. Khi họ lao thật nhanh vào cổng sở cảnh sát thì bị chặn lại. Chỉ trong vài giây, các quả bom nổ chát chúa. Có 4 cảnh sát ở đó và 2 người dân đi ngang qua. Tất cả bị bom hất tung, nhưng may thay họ chỉ bị thương.
Bốn tên khủng bố đi trên xe, trong đó có một phụ nữ, chết không toàn thây. Tất cả được xác định là thành viên trong một gia đình. Người cha 50 tuổi có tên Tri Murtono, người mẹ tên Tri Ernawati, 43 tuổi. Hai người con trai tên Mohammad Dari Satri, 16 tuổi và Mohammad Dafa Amin, 14 tuổi. Cuối cùng là bé Ais, 8 tuổi, ngồi phía trước xe máy, văng xuống đường. Em không chết, cố gắng đứng lên kêu cứu và định chạy thoát vùng khói lửa nhưng bất lực vì bị thương khá nặng.
Roni Faisal và cảnh giải cứu bé Ais Ảnh: ABC News
Không cần biết trên mình em bé có bom hay không, Roni nhào tới bồng em trên tay chạy khỏi vùng nguy hiểm. Ngày 15-5, giám đốc cảnh sát Đông Java, tướng Machfud Arifin, phát biểu trong cuộc họp báo: "Nếu đứa bé đeo đai bom trên người thì chúng tôi đã mất đội trưởng đội chống ma túy".
Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Kompas, Roni khiêm tốn: "Tôi cũng có một con gái trạc tuổi bé. Do đó, bản năng dạy bảo cần phải cứu đứa bé ngay lập tức mặc dù em tham gia khủng bố. Tôi không nghĩ mình là anh hùng".
Trên mạng Twitter, một người có nickname @Anaa viết: "Vô cùng xúc động. Cảm ơn Pak Roni đã cứu mạng bé". Nhiều bó hoa tươi thắm và tin nhắn được gửi tới tấp đến Sở cảnh sát Surabaya và bộ chỉ huy cảnh sát Đông Java.
Roni cũng phát biểu trên đài ABC của Úc: "Tôi không thể nào tưởng tượng nổi con bị cha mẹ sử dụng như vũ khí giết người. Tôi cũng là một tín đồ Hồi giáo. Bất cứ ai làm chuyện đó không thể tự xưng là tín đồ Hồi giáo chân chính. Tôi hy vọng sẽ có ngày gặp lại bé. Tôi chỉ muốn ôm bé vào lòng và hy vọng cháu được thượng đế che chở suốt quãng đời còn lại".
Một gia đình bình thường
Gia đình tiến hành 3 vụ đánh bom liều hết nhắm vào 3 nhà thờ Công giáo và Tin Lành bao gồm Dita Uprianto, 46 tuổi, vợ Puji Kuvasti, 42 tuổi, 2 người con trai 17 và 15 tuổi, 2 đứa con gái 12 tuổi và 9 tuổi. Tất cả đều chết do chất nổ họ đeo trên người.
Cái chết thảm thương của gia đình Dita Uprianto đã gây cú sốc rất lớn cho hàng xóm láng giềng. Mọi người đều mô tả đó là một gia đình hết sức bình thường, không có dấu hiệu gì là quá khích. Con cái họ chơi đùa với con cái hàng xóm rất vui vẻ như cưỡi xe đạp, đá banh trên đường phố.
Binawan Widiarto, láng giềng của gia đình Dita Uprianto, nhớ rất rõ: " Dita là một người dễ mến, sống hòa đồng với mọi người". Những bức ảnh đăng trên tài khoản Facebook của Dita Uprianto cho thấy đó là một gia đình hạnh phúc.
Samsul Hadi, một người láng giềng khác kể: "Chúng tôi là bạn lâu năm với nhau. Lần gặp cuối cùng anh ấy không có gì khác biệt. Mọi sự đều hết sức bình thường cho đến khi xảy ra vụ việc. Thật không thể tin nổi. Đêm thứ bảy, tôi còn thấy anh ấy ngồi trước cổng nhà bàn kế hoạch ăn lễ Ramadan".
Trong 3 gia đình tử vì đạo không có người phụ nữ nào mặc Niqab, trang phục quen thuộc của người Hồi giáo trùm kín thân thể từ đầu đến chân. Đàn ông, người thì bán khung cửa, người thì bán đồng hồ online. Dita Uprianto có lẽ là người che giấu thân phận - trùm tổ chức khủng bố JAD ở Surabaya - giỏi nhất. Không người bạn nối khố hay bạn hàng lâu năm nào biết được thân phận của y. Gia đình anh ta sống hiện đại, con cái cho học trường tư, thân thiện với mọi sắc tộc.
Melly Tahalele, tín đồ đạo Tin Lành, kể lại: "Chúng tôi thường trao đối ý kiến với nhau về mọi vấn đề trong suốt 7 năm gia đình họ sống trong khu phố. Họ không giống bất cứ tên khủng bố nào cả. Ngược lại là đằng khác. Vậy mà…".
Dita Uprianto vốn là con trai của một kiến trúc sư thuộc tầng lớp quý tộc Java. Nhưng anh ta không bao giờ khoe khoang nguồn gốc của mình. Arif Moestofa, người biết rõ gốc gác Uprianto, nói: "Anh ta sống an phận và ăn nói rất lịch sự". Không có dấu hiệu nào cho thấy anh ta trở thành một tên khủng bố máu lạnh.
Tuy vậy, nếu ai để ý một chút sẽ thấy mấy năm gần đây, Uprianto không còn lui tới nhà cha mẹ hay các em gái. Anh ta cũng xa lánh gia đình bên vợ. Việc thay đổi hành vi kể trên có thể giải thích quyết định của Uprianto mang con cái vào cuộc thánh chiến. Hắn tin rằng tham gia thánh chiến sẽ mang lại phần thưởng cho cả gia đình. Đó là tất cả sẽ cùng nhau lên thiên đường".
Khủng bố thế hệ mới
IS từng dùng hình ảnh những vụ đánh bom táo bạo ở Jakarta mấy năm trước để tuyên truyền khắp các nước Đông Nam Á. Tại Indonesia, một mặt chúng đe dọa chính phủ và cảnh sát Jakarta, mặt khác chúng hô hào đẩy mạnh thánh chiến.
Năm 2017, Tổng Tư lệnh quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo từng cảnh báo IS đã cắm rễ ở tất cả các tỉnh trong nước. Hiện có khoảng 30 nhóm có quan hệ với IS với tham vọng thành lập một tỉnh IS ở Đông Nam Á. Phần lớn những tên khủng bố thế hệ mới còn trẻ tiếp thu tư tưởng Hồi giáo cực đoan qua mạng, nhất là từ các trang web thánh chiến. Chúng ít quan hệ với thế hệ trước vì cho là đã lỗi thời.
Nhiều chuyên gia chống khủng bố Indonesia nhận định rằng lớp trẻ bây giờ chê đàn anh quá nhu nhược. Chúng tụ tập thành nhóm nhỏ, tránh được sự dòm ngó của cảnh sát. Hàng trăm thanh niên sang Syria và Iraq thực hành thánh chiến. Một số đã trở về và trở thành mối đe dọa cho Indonesia.
Kỳ tới: Bóng ma JAD
Bình luận (0)