Chúng bị ép buộc hay tự nguyện? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ vì có nhiều ý kiến khác nhau. Thế nhưng, con cái theo cha mẹ đánh bom liều chết ở Surabaya nhắm vào 3 nhà thờ Công giáo sáng 13-5 là chuyện có thật, một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ không chỉ ở Indonesia mà cả thế giới.
Đây là một chiến thuật khủng bố mới của nhóm khủng bố nội địa JAD (Hội đoàn những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo) thân IS. Từ nay, cuộc chiến chống khủng bố của Indonesia đối mặt thêm thách thức mới đòi hỏi phải sửa luật chống khủng bố ra đời cách nay 15 năm mới mong ngăn ngừa được hiện tượng này.
Ita và Lala
7 giờ 45 phút ngày 13-5, Famelia Rizqita (tên gọi thân mật là Ita, 9 tuổi) đi cùng chị Fadhila Sari (tên gọi thân mật là Lala, 12 tuổi) và mẹ Puji Kuswati đến nhà thờ Công giáo Indonesia, đường Diponegoro. Theo các nhân chứng, khi bị nhân viên bảo vệ nhà thờ chặn lại để xét hỏi, người mẹ đã choàng đai bom vào một trong 2 bé rồi kích nổ.
Trước đó 10 phút, Dita Uprianto, cha bé Ita, lái một chiếc xe hơi 7 chỗ chở đầy bom tự tạo đâm sầm vào nhà thờ Tin lành phái Ngũ Tuần, đường Jalan Arjuna. Trước đó nữa, lúc 7 giờ 30 phút, 2 anh trai của Ita mang bom trong balô chở nhau trên một môtô xông vào nhà thờ Công giáo Santa Maria, đường Nagel, đánh bom liều chết.
Tất cả đều diễn ra ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, nơi sinh sống của khá đông cộng đồng người Hoa. Không thành viên nào trong gia đình sống sót. Ba vụ đánh bom làm 27 người chết, bao gồm cả 6 thành viên của gia đình bé Ita và hơn 50 người bị thương.
Ita (trái) và chị Lala Ảnh: Facebook
Xem lại hình ảnh Ita trên tài khoản Facebook của mẹ em, người xem không khỏi xúc động. Ảnh chụp em với chị Lala, ảnh chụp em bên một bờ hồ với đôi má ửng hồng trông thật dễ thương. Ảnh em nũng nịu ngả đầu trên vai anh trai. Đó là những hình ảnh yêu thích và tự hào của bất cứ người mẹ bình thường nào trên thế giới.
Tất cả hình ảnh kể trên giờ đây đã bị xóa sạch để lại câu hỏi nhức nhối: Tại sao Ita có thể trở thành một kẻ khủng bố? Vài ngày trước khi bé chết thảm, hàng xóm cho biết bé khóc đòi mẹ mua áo mới để dự lễ Lebaran vào tháng 6. Một viên cảnh sát chứng kiến cái chết của Ita thắc mắc: "Nếu cô bé biết trước mình sắp chết tại sao lại khóc đòi áo mới? Rõ ràng cha mẹ bé không phải là con người. Nhất là cha của bé".
Trên trang thông tin của mình, IS nhận trách nhiệm về những vụ đánh bom ở Surabaya. Họ cũng xác nhận Dita là trưởng nhánh Tổ chức JAD ở Surabaya.
Không ngại hy sinh vợ con
Năm 2017, UNICEF đã từng báo động số lượng trẻ em - hầu hết là bé gái - bị phiến quân Boko Haram ở Nigeria theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dụ dỗ hoặc ép buộc thực hiện những vụ đánh bom liều chết. Hổ Tamil ở Sri Lanka và một vài tổ chức Palestine cực đoan cũng từng dùng trẻ em vốn ít bị nghi ngờ làm bom di động.
Thế nhưng, theo chuyên viên chống khủng bố Noor Huda Ismail, đây là một diễn biến mới cực kỳ đáng ngại ở Indonesia. Ông nhận định: "Chính phủ Indonesia cần nghiêm túc rút kinh nghiệm vì mức độ bạo tàn và thực dụng đã được nâng tầm đáng kể. Những tên khủng bố đã không ngần ngại hy sinh vợ con mình". Đáng sợ hơn nữa, những vụ tấn công khủng bố kiểu mới này có thể được nhân lên toàn thế giới.
Ông Greg Fealy, phó giáo sư Trường ĐH Quốc gia Úc, cũng lo ngại: "Rồi đây chúng ta sẽ chứng kiến những vụ tấn công khủng bố kiểu này lan rộng ở nước ngoài. Nó giống như trước đây quân khủng bố ở Trung Đông quyết định dùng phụ nữ đánh bom liều chết vì họ dễ thành công hơn nam giới về mặt an ninh. Thông thường, trẻ con ít thu hút sự chú ý của lực lượng an ninh. Nhưng từ đây về sau, mọi việc sẽ thay đổi".
Xưa nay, các tổ chức khủng bố manh động nhất như Jemaah Islamiyah - nhóm thực hiện những vụ đánh bom kinh hoàng ở Bali - chỉ chọn đàn ông trưởng thành làm "bom di động". Bà Sidney Jones, nhà phân tích khủng bố, nhận định giờ đây IS đã thay đổi cách đánh. Chúng tìm cách nhồi tư tưởng thánh chiến vào từng gia đình, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
Jones viết trên trang web của Viện Lowy: "Nếu phụ nữ được coi là sư tử cái thì con cái là sư tử con. Vấn đề là có nhiều phụ nữ không hài lòng với vai trò truyền thống mà IS áp đặt lên họ. Trên mạng xã hội, không ít người yêu cầu được hành động nhiều hơn và không ngần ngại bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với chị em đánh bom liều chết ở Chechnya, Palestine và Iraq".
Nhiều chuyên gia chống khủng bố tin rằng việc cả gia đình tham gia khủng bố cho thấy chính phủ cần xem xét lại chương trình tẩy độc (xóa bỏ tư tưởng Hồi giáo cực đoan) của mình. Đó là không chỉ nhắm vào nam giới mà cả gia đình.
Tẩy độc từng là ý tưởng nổi tiếng của Noo Huda Ismail. Ở Indonesia không ai không biết quán cà phê của ông ở TP Solo, đảo Java, dùng toàn nhân viên là cựu chiến binh thánh chiến lầm lỡ theo các tổ chức Hồi giáo cực đoan được ông giáo huấn thành người hoàn lương. Giờ đây chắc chắn ông sẽ nghĩ lại.
Tội nghiệp con bé!
Wery Tri Kusuma, một người hàng xóm của gia đình Dita Upriante, đã thốt lên như vậy khi cảnh sát cho xem hình ảnh vụ đánh bom tự sát ở nhà thờ Công giáo Indonesia.
"Xem mấy tấm ảnh, tôi đã khóc; nhất là khi nhìn thấy thân thể bé Ita chỉ còn phần trên toàn vẹn nhưng phần dưới đã bay đi đâu mất. Đai bom có lẽ được quấn vào bụng em. Tôi không hiểu nổi tại sao cha mẹ Ita lại làm như vậy. Ita có biết gì đâu. Nó chỉ là một đứa con nít".
Ông Wery kể lại: "Ita và Lala thường qua nhà tôi chơi. Trước ngày theo cha mẹ đi "làm nhiệm vụ", Ita còn chơi đùa rất vui với con trai tôi, 11 tuổi. Mỗi lần gặp vợ tôi, bé thường nhảy xổ vào lòng cô ấy. Chúng tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất nên xem Ita như là con gái của mình".
Kỳ tới: Chuyện bên lề
Bình luận (0)