"Tổng thống Nga Vladimir Putin và Iran... phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này vì họ ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad" – nhà lãnh đạo Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter.
Đài BBC cho biết trước khi Tổng thống Donald Trump đưa ra cảnh báo Syria và các đồng minh "sẽ phải trả giá đắt", Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "phản ứng nhanh chóng" nếu vụ tấn công thực sự xảy ra.
Tổng thống Donald Trump còn buông lời chỉ trích nặng nề dành cho ông Assad.
Những đứa trẻ được điều trị sau "vụ tấn công hóa học" trong một đoạn video không xác định. Ảnh: BBC
Khi được hỏi về khả năng tấn công Syria để đáp trả "vụ tấn công hóa học" hôm 7-4, cố vấn an ninh Nhà Trắng Tom Bossert cho biết "tất cả lựa chọn đang sẵn sàng".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đe dọa tấn công Syria nếu chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson đã yêu cầu mở một cuộc điều tra khẩn cấp để bắt những kẻ "vô đạo đức" chịu trách nhiệm.
Sau tất cả cáo buộc, Syria cho rằng truyền thông phương Tây đã "bịa ra vụ tấn công" nhằm ngăn cản Damascus triển khai lực lượng ở miền Đông Ghouta.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nghi ngờ thông tin về "vụ tấn công hóa học" ở Syria là "tin giả" cũng như là cái cớ để một số nước can thiệp quân sự vào quốc gia này. Moscow cảnh báo về những "hậu quả thảm khốc" nếu quốc gia nào can thiệp quân sự vào Syria.
Iran cũng cho hay tuyên bố của giới chức Mỹ là "những cáo buộc vô căn cứ", có thể được sử dụng như một cái cớ để tiến hành hoạt động quân sự chống lại lực lượng Syria.
Binh sĩ Syria ở thị trấn Douma hôm 28-3. Ảnh: Global Look Press
Theo các nguồn tin y tế, hàng chục người đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào thị trấn Douma hôm 7-4. Liên hiệp các tổ chức cứu trợ và chăm sóc y tế nói với đài BBC rằng có khoảng 70 nạn nhân bị giết chết.
Hiệp hội Y khoa Mỹ - Syria (trụ sở ở Mỹ) khẳng định ít nhất 48 người thiệt mạng "có dấu hiệu tiếp xúc với chất hoá học".
Cùng ngày 8-4, Nga đạt được thỏa thuận với phiến quân kiểm soát thị trấn Douma, nhóm Jaish al-Islam, nhằm kết thúc chiến sự tại đây. Theo đó, cảnh sát quân sự Nga sẽ vào thị trấn trong khi quân nổi dậy được phép rời khỏi hoặc ở lại mà không bị lực lượng Syria truy đuổi, một nguồn tin giấu tên nói với Reuters.
Truyền thông Syria trước đó đưa tin nhóm Jaish al-Islam sẽ được phép rời khỏi Douma trong vòng 48 giờ, đổi lại họ phải giao trả tù nhân. Thị trấn này là cứ điểm cuối cùng của quân nổi dậy ở vùng Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus.
Hôm 8-4, BBC đưa tin ít nhất 70 người đã thiệt mạng, nghi vấn là nạn nhân của một vụ tấn công hoá học ở thị trấn Douma (Syria).
Bình luận (0)