"Nền tảng giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí hạt nhân đạt được thời hậu Chiến tranh lạnh đang sụp đổ. Tuy nhiên, chúng ta chưa tìm được nền tảng thay thế" - bà Nakamitsu cho biết đồng thời khẳng định điều này khiến nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thế hệ.
Theo tờ Japan Times, lời cảnh báo trên được bà Nakamitsu đưa ra trong phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), diễn ra trước thềm hội nghị rà soát NPT 2020. Cứ 5 năm/lần, các nước tham gia NPT tập hợp để rà soát lại công tác thực hiện cam kết của họ đối với hiệp ước này.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên trong cuộc diễu binh mừng kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4-2017 Ảnh: REUTERS
Bắt đầu có hiệu lực vào năm 1970, NPT hiện có 191 nước tham gia và được xem là nền tảng của chiến dịch loại bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Hiệp ước này hoạt động dựa vào cam kết của 5 cường quốc hạt nhân - bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ - về việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân của họ. Đổi lại, những quốc gia chưa sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không tìm cách phát triển chúng. Tuy nhiên, những quốc gia này đang ngày càng không hài lòng với 5 quốc gia nói trên vì cho rằng họ chưa thực hiện tốt cam kết của mình.
Hồi tháng 2-2019, Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà họ ký với Nga vào năm 1987, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng bởi xu hướng hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, cũng như phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ khiến việc phát triển vũ khí hạt nhân trở nên dễ dàng hơn - theo bà Nakamitsu.
Trong khi đó, những quốc gia nằm ngoài NPT, như Triều Tiên, Pakistan, Ấn Độ và Israel, cũng đã tiến hành nhiều hoạt động hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Cũng trong phiên họp hôm 2-4, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, ông Mã Triêu Húc, đã kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân loại bỏ tư tưởng Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, vị này còn kêu gọi Mỹ và Nga đàm phán và tham vấn để quay lại INF càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)