Sứt hút của thị trấn trên đang tăng từng ngày sau khi doanh nghiệp cùng giới chức địa phương bắt tay mở chiến dịch mời gọi “người ngoài” tới đây khỏa lấp những chỗ trống của hơn 1.000 việc làm đang cần người. Họ hy vọng gói cung cấp nhà ở với giá ưu đãi 230.000 đô la New Zealand (NZD, gần 3,7 tỉ đồng) cho một ngôi nhà 3 phòng ngủ mới toanh kèm theo đất đai đủ sức lôi kéo dân ở những thành phố lớn đang chật vật mưu sinh mà vô tình quên đi giấc mơ Kiwi đích thực.
Mức giá ưu đãi nói trên được coi là không tưởng tại New Zealand, nơi cơn sốt nhà ở vẫn chưa hạ nhiệt. Giá trung bình của một căn nhà ở đây hiện vào khoảng 577.829 NZD, tăng 12,4% so với năm ngoái. Thậm chí, con số này ở TP Auckland - điểm nóng của cơn sốt - được dự báo sẽ leo lên tới 1 triệu NZD trong năm nay.
Dân Kaitangata gọi tên thị trấn của mình đơn giản là Kai - nơi chẳng ai phải khóa cửa nhà và trẻ con chẳng lo thiếu chỗ chơi. Lịch sử của vùng đất nằm ở vùng châu thổ sông Clutha này gắn với sự phát hiện của những mỏ than gần đó vào những năm 1850 mà tới nay vẫn còn được khai thác. Cư dân thị trấn từng vượt quá con số 1.200 người vào những năm 1950 nhưng đến nay giảm còn 800 người.
Đây cũng là vấn đề nhiều thị trấn nhỏ ở New Zealand đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cách giải quyết của Kaitangata đã gây ra một hiệu ứng khó tin. Theo trang Stuff, mẩu quảng cáo “dụ” dân của Kaitangata theo kiểu đơn giản mà người ta có thể bắt gặp như trong thế kỷ XIX. Thế nhưng, nó bất ngờ gây sốt đồng loạt trên các báo lớn của thế giới, như The Guardian (Anh) và Le Figaro (Pháp).
Trải lòng với The Guardian, ông Cadogan nói rằng Kaitangata đã cho ông cơ hội khi ông còn thất nghiệp và phải nuôi sống gia đình, do đó cư dân trong thị trấn của ông muốn mở vòng tay với những gia đình New Zealand khác. Quan chức này cũng không khỏi trăn trở vì việc sở hữu nhà riêng và nuôi sống gia đình - được gọi là giá trị Kiwi, đang trở thành giấc mơ không tưởng với nhiều người New Zealand. “Đối với họ, cuộc sống chỉ là một công việc nặng nhọc bất tận. Đó là điều khiến tôi rất buồn” - ông Cadogen nói.
Tuy nhiên, số tin nhắn đổ về quá dồn dập khiến ông Cadogan chưa biết xử lý ra sao. Trong số đó, rất nhiều tin nhắn đến từ Syria, Ba Lan, Mỹ và đặc biệt là Anh. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân đưa Anh rời Liên minh châu Âu là lý do khiến nhiều người dân xứ sở sương mù muốn tìm đến nơi này.
Bình luận (0)