Giải pháp lặn: Nguy cơ cao
Trước khi xảy ra sự việc đau lòng vào sáng 6-7 kể trên, một cựu thành viên đội 1 của Lực lượng SEAL thuộc Hải quân Mỹ đã cảnh báo nguy cơ thương vong của giải pháp lặn. Trao đổi với đài CNN ngày 5-7, ông Cade Courtley nhận xét chuyện dạy bọn trẻ lặn là "giải pháp cuối cùng" mà ông có thể nghĩ tới.
"Đội 1 của chúng tôi từng trải qua nhiều tuần huấn luyện dưới nước. Với người có hàng ngàn giờ ngụp lặn trong môi trường có tầm nhìn bằng 0 và nước xiết như chúng tôi, đó vẫn là một thử thách. Do đó, đưa những đứa trẻ mới tập lặn xuống nước sâu sẽ khiến chúng hoảng loạn" – ông Courtley nhấn mạnh.
2 kế hoạch giải cứu đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Nguồn: Bangkok Post
Vị trí phức tạp nhất trong hành trình giải cứu là ngã 3 Sam Yak. Lối thông ở đây vừa hẹp vừa có dòng chảy khó lường.
Những ngày qua, nhiệm vụ của nhóm cứu hộ là bơm nước ra sao cho mực nước ở Sam Yak xuống mức thông thường.
Nhiều thợ lặn kể lại làn nước bùn trong hang Tham Luang mù mịt như nước cà phê và lạnh cóng. Đài ABC (Úc) dẫn lời thợ lặn Ron Allum của nước này kể hành trình lặn trở ra sẽ "rất đáng sợ": "Kể cả khi có đèn, tất cả những gì bạn thấy chỉ là một vùng nâu mờ trước mắt". Nhiều đoạn trong hang cực kỳ hẹp, chỉ đủ một người đi lọt nên nguy cơ tắc nghẽn khá cao.
Báo Bangkok Post cho hay một thợ lặn chuyên nghiệp phải mất khoảng 6 giờ mới vào được chỗ các em đang ẩn náu và mất 5 giờ để trở ra. Tổng hành trình lặn khoảng 1,9 km, chia thành nhiều quãng nghỉ hoặc thay bình dưỡng khí.
Tóm lại, hành trình này rất dài, mất thời gian và nguy hiểm. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan Anupong Paochinda, người đã tuyên bố phải nhanh chóng đưa các em ra trước khi nước dâng trở lại, cũng thừa nhận tính mạng có thể bị đe dọa nếu xảy ra sai sót trong quá trình lặn ra.
Tình hình càng khó khăn khi theo đài CNN, đánh giá ngày 5-7 cho thấy 12 em nhỏ và huấn luyện viên chưa đủ sức khỏe. Hai cậu bé và huấn luyện viên bị kiệt sức vì thiếu dinh dưỡng. Có thông tin huấn luyện viên đã nhịn ăn nhiều ngày để nhường thức ăn cho học trò.
Thợ lặn trong hang phải đối mặt nguy cơ cao. Ảnh: Thai Navy
Cách các thợ lặn dẫn các em ra khỏi hang Tham Luang. Nguồn: Guardian
Gian khổ hành trình giải cứu 13 người trong hang Tham Luang
Giải pháp khoan: Nhiều thách thức
Trong khi các thợ lặn quần thảo dưới nước, khoảng 30 nhóm – gồm binh sĩ, cảnh sát, người đi thu tổ chim... - đang tìm kiếm khu vực phía trên hang động để xác định trục di tản thay thế nếu đội bóng không thể lặn ra ngoài. Theo phương án này, một "ống khói" sẽ chọc thẳng từ mặt đất xuống Noen Nom Sao để cứu các thiếu niên.
Thợ lặn người Bỉ Ben Reymenants đang hỗ trợ hoạt động cứu hộ nói với đài CNN: "Có thông tin bọn trẻ nghe thấy tiếng gà và chim". Dựa vào thông tin này, các đội tìm kiếm trên mặt đất đang rà soát phía trên hang động để tìm đường dẫn xuống nơi đội bóng trú ẩn.
Một số thiếu niên cho biết các em nghe thấy tiếng chó sủa, gà gáy và trẻ em chơi đùa, làm dấy lên khả năng tồn tại một "cửa thông gió tự nhiên" dẫn từ hang động lên mặt đất.
Tuy nhiên, giải pháp khoan không hề dễ dàng bởi quá khó để tìm ra đúng vị trí phía trên mô đất mà các em đang trú ngụ trong hang. Nếu may mắn tìm được, sẽ phải khoan sâu ít nhất 800 m trong khi không rõ cấu trúc đất đá trong khu vực. Người trong hang cũng sẽ gặp nguy hiểm trong lúc khoan. Chẳng may nếu gây sập hang, bi kịch sẽ cực kỳ khủng khiếp!
Binh lính rà tìm lối vào từ khu vực rừng núi phía trên hang Tham Luang. Ảnh: Bangkok Post
Giải pháp chờ: Thách thức dưỡng khí
Lặn ra không được, khoan xuống không xong, nhiều người nghiêng về giải pháp chờ đợi nước rút.
Tuy nhiên, giải pháp này gặp thách thức bởi lượng dưỡng khí hao hụt. Thiếu dưỡng khí chính là nguyên nhân khiến thợ lặn Saman Gunan, cựu thành viên SEAL Thái, tử vong sáng 6-7.
Cựu Tỉnh trưởng Chiang Rai Narongsak Osotthanakor, chỉ huy chiến dịch giải cứu, cho hay lượng oxy trong hang giảm nhanh do lực lượng cứu hộ làm việc bên trong quá đông. Hiện họ đang đưa đường ống dài 5 km vào hàng để cung cấp dưỡng khi cho bọn trẻ và đó là phần việc chính của ngày 6-7.
Lượng dưỡng khí càng bị đe dọa khi nước trong hang dâng lên trở lại – hệ quả tất yếu khi dự báo sẽ có mưa kéo dài vào cuối tuần này.
Nỗ lực bơm nước những ngày qua có thể đổ sông đổ biến nếu trời đổ mưa. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha khẳng định, có hai phương án để giải cứu đội bóng mắc kẹt đó là khoan một đường ống xuống hang và huấn luyện cho các em nhỏ sử dụng thiết bị lặn.
Bình luận (0)