Các bộ trưởng nội vụ Pháp, Đức và Ý đã nhóm họp tại thủ đô Paris - Pháp trong ngày 2-7 để thảo luận biện pháp phối hợp nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng di cư.
Đuối sức
Cuộc họp khẩn cấp được tổ chức sau khi Ý cảnh báo không thể cầm cự thêm với dòng người di cư tràn vào nước này ngày càng đông. Rome đe dọa ngăn tàu nước ngoài chở những người di cư được giải cứu ở Địa Trung Hải đến các cảng của nước này.
Ngay trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Ý Marco Minniti hối thúc các nước châu Âu mở cửa để tiếp nhận tàu giải cứu người di cư. Ông nói trên tờ Il Messaggero (Ý) rằng nếu chỉ có các cảng của Ý tiếp nhận người di cư thì chưa đủ. Hội Chữ thập đỏ Ý cũng cảnh báo tình trạng quá tải tại các trung tâm tiếp nhận trong nước đã trở nên nghiêm trọng. Vấn đề cấp bách này cũng là nội dung chính được bàn thảo trong cuộc họp của ông Minniti với Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb, người đồng cấp Đức Thomas de Maiziere và Ủy viên Liên minh châu Âu về người tị nạn Dimitris Avramopoulos ngày 2-7.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho rằng những gì đang xảy ra ở Ý là một bi kịch và đây không phải là vấn đề của riêng Rome. Nói với đài BBC hôm 1-7, ông Grandi đề nghị cộng đồng quốc tế cần làm nhiều hơn nữa để giúp Ý đối phó tình trạng người nhập cư ồ ạt kéo đến bờ biển nước này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều bày tỏ ủng hộ Ý đối phó vấn đề nêu trên. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố EC sẽ thảo luận thêm các biện pháp với Ý và Hy Lạp để giúp đối phó làn sóng di cư.
Tàu chở người di cư được giải cứu ở Địa Trung Hải đến tỉnh Salerno - Ý hồi cuối tuần qua Ảnh: AP
Ngoài tầm kiểm soát
Các chuyên gia pháp lý cho rằng Ý có khả năng phải tiếp nhận người di cư theo luật tị nạn quốc tế. Tuy nhiên, nước này có thể buộc Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thỏa thuận hồi năm 2015 về việc chia sẻ tiếp nhận người tị nạn trên toàn khối - một thỏa thuận mà đến nay vẫn chưa đạt được tiến bộ nào trong quá trình thực thi. Các quốc gia EU hiện đã đóng cửa biên giới với hy vọng ngăn người di cư đến phía Bắc.
Tổng thống Ý Sergio Mattarella cảnh báo nếu lượng người di cư vẫn tiếp tục tăng, tình hình sẽ ngoài tầm kiểm soát, thậm chí đối với một quốc gia rộng lớn và cởi mở như Ý. Hơn 500.000 người di cư đã đi qua các cảng nước Ý từ năm 2014. Rome đã kêu gọi các nước EU hành động sau khi có hơn 12.000 người di cư đến quốc gia này chỉ trong vòng 2 ngày hồi tuần trước.
Lực lượng bảo vệ bờ biển ở Rome đang hoạt động với các sứ mệnh cứu hộ trong khu vực nhưng chính phủ Ý cho rằng các nước châu Âu khác nên tiếp nhận phần nào số người nhập cư đến từ châu Phi. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết trong số những người di cư đến Ý, tỉ lệ trẻ em không có gia đình đi cùng hoặc các nạn nhân của bạo lực tình dục đang ở mức đáng lo ngại.
Tìm kiếm cơ hội đổi đời
Có đến 83.650 người đã đến Ý bằng đường biển kể từ đầu năm 2017, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, khoảng 2.030 người đã thiệt mạng trên Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay. Hầu hết người di cư khởi hành từ Libya và vượt Địa Trung Hải để đến Ý. Libya là cửa ngõ vào châu Âu của những người di cư đến từ châu Phi hạ Sahara, bán đảo Ả Rập, Ai Cập, Syria và Bangladesh.
Khoảng 15% người di cư đến châu Âu trong năm nay là người Nigeria, 20% là người Bangladesh trong khi người Guinea chiếm 10% và Bờ Biển Ngà là 9%. Nhiều người di cư tìm đường đến châu Âu để thoát khỏi cảnh chiến tranh, đói nghèo hoặc khủng bố. Tuy nhiên, chính quyền Rome cho rằng khoảng 80% người di cư đang tìm kiếm các cơ hội kinh tế tốt hơn chứ không phải chạy trốn chiến tranh hay khủng bố.
Bình luận (0)