2000 năm trước, hàng loạt khách lữ hành đến một ngôi đền Hy Lạp – La Mã ở TP Hierapolis, nay là Thổ Nhĩ Kỳ, tọa lạc bên trên một hang động được đồn đại là lối vào địa ngục.
Họ đến đây để xem hiện tượng động vật chết và rơi xuống trước cửa hang. Hang động này, được đặt tên là "Plutonium" – bắt nguồn từ chữ Pluto (Diêm vương). Trong suốt nhiều thế kỷ, người ta tin rằng hang động Plutonium đã phà "hơi thở chết chóc", giết chết tất cả sinh vật đến gần ngoại trừ các thầy tế.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện đã giải mã được hiện tượng bí ẩn nói trên.
Lối vào hang động Plutonium - nơi được mệnh danh là "cổng địa ngục". Ảnh: CNN
Khí độc
Theo các nhà khoa học, việc động vật chết hàng loạt khi đến gần hang Plutonium là do khí độc chứ không phải là do thế lực siêu nhiên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Khảo cổ học và Nhân chủng học vào tháng 2-2018 khẳng định một khe nứt trên bề mặt trái đất, sâu bên dưới hang Plutonium, thải khí CO2 với nồng độ cao đến mức chết chóc.
Sử dụng thiết bị phân tích khí, nhà khoa học Hardy Pfanz cùng với nhóm nghiên cứu núi lửa của ông phát hiện nồng độ CO2 tại miệng hang Plutonium nằm trong khoảng 4-53% trong khi nồng độ CO2 bên trong hang là 91% - vượt mức đủ để giết sinh vật sống.
Giới khoa học khẳng định hiện tượng động vật chết khi đến gần hang Plutonium là do khí độc. Ảnh: CNN
"Động vật có vú (bao gồm con người) bắt đầu gặp vấn đề khi tiếp xúc môi trường nồng độ CO2 dưới 5%. Ở lâu hơn trong môi trường 7% và hơn dẫn đến các triệu chứng như đổ mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh…Ở trong môi trường có nồng độ CO2 cao hơn nữa, động vật có vú sẽ bị ngạt thở do thiếu oxy và do sự do axit hóa máu và cơ thể hay tế bào não" – ông Pfanz khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng trong quá trình nghiên cứu, ông phát hiện ra nhiều chim, chuột và hơn 70 bộ cánh cứng chết khi đến gần miệng hang Plutonium.
Địa điểm du lịch
TP Hierapolis, được thành lập vào khoảng năm 190 trước công nguyên, là địa điểm thu hút lượng lớn du khách vào thời cổ đại nhờ hiện tượng nói trên cùng các suối nước nóng. Đến ngày nay, Hierapolis vẫn thu hút được hàng ngàn du khách mỗi năm.
Hang động Plutonium nằm dưới Đền Apollo. Ảnh: CNN
Francesco D'Andria, nhà khảo cổ học người Ý phát hiện ra lại địa điểm nói trên vào năm 2013, khẳng định có bằng chứng về một công trình phức hợp được xây dựng xung quanh hang động Plutonium, nhiều khả năng là để phục vụ du khách ngồi quan sát hiện tượng động vật chết.
Nhà địa lý người Hy Lạp Strabo, sống trong khoảng năm 64 trước công nguyên đến năm 21 sau công nguyên, từng viết về hiện tượng nói trên như sau: "Bất cứ loài vật nào bước qua cửa hang đều chết ngay lập tức…trâu bò tiến vào trong hang ngã quỵ xuống đất và chết… Tôi ném chim sẻ vào trong hang, chúng chết ngay tức thì và rơi xuống đất".
Tuy nhiên, ông Strabo không giải thích được vì sao khí độc giết chết động vật nhưng không gây ảnh hưởng đến những thầy tế. Ông tự hỏi liệu có phải là do họ sở hữu năng lực gì đó đặc biệt hay chỉ đơn giản là họ nín thở.
Bức vẽ công trình phức hợp xung quanh hang động Plutonium. Ảnh: CNN
Liên quan đến câu hỏi này, nghiên cứu của ông Pfanz khẳng định nguyên nhân xuất phát từ chiều cao khác nhau giữa người và động vật. Ông Pfanz giải thích rằng CO2 nặng hơn oxy, do đó nó lắng đọng xuống phía dưới, tạo ra một vùng khí độc ngay trên mặt đất. Kết quả là động vật bị ảnh hưởng trong khi các thầy tế thì không do họ đứng cao hơn, bên trên vùng khí độc.
Ông Pfanz cho rằng các thầy tế biết được khí độc và hiểu được rằng nồng độ của nó thay đổi theo thời gian trong ngày. Theo một nghiên cứu mới đây, nồng độ CO2 đặc biệt cao vào thời điểm bình minh và hoàng hôn do ánh mặt trời làm phân tán khí này.
Tuy nhiên, nhà khảo cổ học người Ý D'Andria không đồng tình với giả thuyết này vì theo ông, các đèn dầu được phát hiện trước cửa hang cho thấy "nhiều khả năng các nghi lễ cũng được tiến hành vào ban đêm".
Tàn tích TP Hierapolis, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi năm. Ảnh: CNN
Bình luận (0)