Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo ASEAN và các nước Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13 tại Singapore hôm 15-11. Các nước nhất trí tiếp tục củng cố EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về các vấn đề chiến lược ở khu vực, trong một cấu trúc rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, với ASEAN ở vị trí trung tâm; bày tỏ ủng hộ tăng cường EAS để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu mới…
Duy trì đối thoại
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh EAS cần tiếp tục duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin, tích cực hỗ trợ các nỗ lực tập thể trong đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, kiềm chế các hành động đơn phương và ủng hộ giải quyết hòa bình các khác biệt. Để ủng hộ hệ thống thương mại quốc tế công bằng và cùng có lợi, các nước thành viên EAS cần tăng cường kết nối, cả về hệ thống pháp chế, hạ tầng vật chất lẫn kết nối số.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ môi trường ổn định, hòa bình bền vững có ý nghĩa tiên quyết với hợp tác phát triển. Phấn đấu vì mục tiêu này là trách nhiệm chung của các nước, trong đó có các nước tham gia EAS. Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN luôn đề cao kiềm chế, tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Theo TTXVN, cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 21 giữa các nước ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số sáng kiến tăng cường hợp tác ASEAN+3 như xây dựng cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó của các nền kinh tế; đẩy mạnh hợp tác khu vực về cảnh báo sớm thiên tai. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã thông qua Tuyên bố các lãnh đạo ASEAN+3 về hợp tác chống vi khuẩn kháng thuốc vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Ảnh: REUTERS
Mỹ tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hai bên cần đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại sâu rộng trên cơ sở công bằng, bình đẳng và cùng có lợi. Thủ tướng cũng nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về biển Đông; trông đợi Mỹ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin…
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chia sẻ về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở của Mỹ, khẳng định tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN, mong muốn thúc đẩy hợp tác với ASEAN trên những lĩnh vực chung. "Mỹ muốn tìm kiếm sự hợp tác, không phải kiểm soát. Cũng như ASEAN, Mỹ muốn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là nơi để mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể phát triển, thịnh vượng, bảo đảm chủ quyền và phát triển mạnh mẽ cùng nhau" - ông Pence nhấn mạnh.
Về tình hình biển Đông, phó tổng thống Mỹ khẳng định tiếp tục sự hiện diện và duy trì cam kết đối với tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở vùng biển này. Đặc biệt, ông Pence dành cho Trung Quốc một thông điệp cứng rắn: "Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương không có chỗ cho sự hung hăng. Chiến lược của chúng tôi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương không loại trừ bất cứ quốc gia nào ra khỏi khu vực này. Nó chỉ yêu cầu các quốc gia tôn trọng láng giềng, tôn trọng chủ quyền của nhau cũng như luật pháp và trật tự quốc tế".
Phía Mỹ cũng công bố hỗ trợ 60 tỉ USD cho phát triển hạ tầng khu vực, để ngỏ khả năng xây dựng hiệp định tự do song phương với các nước ASEAN, đồng thời tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ 113 triệu USD về kinh tế và 300 triệu USD về hợp tác an ninh khu vực. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố ASEAN - Mỹ về hợp tác an ninh mạng.
Trước đó, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã tham dự ăn sáng làm việc không chính thức ASEAN - Ấn Độ. Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ hai bên đẩy mạnh hợp tác biển, trong đó có kinh tế biển xanh, bảo đảm an ninh biển; thương mại; đầu tư; kết nối, trong đó có xây dựng đường cao tốc kết nối Ấn Độ với các nước Mekong… Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các buổi hội kiến Quốc vương Brunei Sultan Hagi Hassanan Bolkiah và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Bình luận (0)