Trong cuộc gặp với ông Tập cùng ngày, ông Putin nhấn mạnh: “Chắc chắn chúng tôi sẽ cùng nhau tiến về phía trước một cách vững chắc, phát triển quan hệ song phương và tiến hành các kế hoạch, bao gồm những dự án lớn”.
Tuy nhiên, các số liệu kinh tế không được lạc quan cho lắm. Theo hãng tin Bloomberg, trong nửa đầu năm 2015, đầu tư của Trung Quốc vào Nga giảm 20% trong khi kim ngạch thương mại 2 chiều giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 30,6 tỉ USD, chủ yếu do Trung Quốc bớt nhập dầu mỏ Nga.
Giới chức Nga thừa nhận hầu như không có cơ hội để 2 bên đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỉ USD trong năm nay cũng như 200 tỉ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, các ngân hàng Trung Quốc cũng không thể lấp đầy lỗ hổng tài chính mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra cho Nga.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin
hội đàm tại Bắc Kinh hôm 3-9 Ảnh: REUTERS
Chuyến đi Bắc Kinh mới đây của ông Putin rõ ràng muốn cải thiện tình hình song kết quả không được như ý. Reuters dẫn lời ông Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft, cho hay 2 bên ký kết được một số thỏa thuận mới trong lĩnh vực ngân hàng và viễn thông với vốn đầu tư tiềm năng khoảng 30 tỉ USD.
Tuy nhiên, công ty dầu khí tư nhân lớn nhất của Nga Novatek không nhận được cam kết hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho dự án Yamal LNG trị giá 27 tỉ USD, còn đại gia dầu khí Gazprom phải lùi hạn chót ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ các mỏ ở Tây Siberia đến mùa xuân năm 2016.
Đáng nói nhất là hợp đồng khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỉ USD mà Gazprom ký được nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin vào tháng 5-2014 có nguy cơ phải đàm phán lại do giá năng lượng đang lao dốc, theo ông Jonathan Stern, chủ tịch chương trình nghiên cứu khí thiên nhiên tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford (Anh).
Nhận định này tỏ ra có cơ sở khi ông Triệu Hoa Sinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Trường ĐH Phục Đán ở Thượng Hải, phát biểu trên tờ The New York Times (Mỹ): “Chúng tôi phải tính toán lại toàn bộ chi phí và cố gắng giảm giá”. Bên cạnh các dự án năng lượng lớn, tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow - Kazan (và có thể vươn dài tới Bắc Kinh) cũng chưa khởi công dù trước đó Trung Quốc cam kết hỗ trợ tài chính để hoàn thành dự án trước khi Nga chủ trì World Cup vào năm 2018.
Không chỉ vì giá dầu mà Trung Quốc “phớt lờ” Nga. Theo The New York Times, bản thân kinh tế Trung Quốc cũng đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm qua cộng với bong bóng chứng khoán phập phồng. “Trung Quốc sẽ không rót tiền vào các dự án lớn cho tới khi tình hình dễ chịu hơn” - báo cáo mới đây của Công ty Stratfor Global Intelligence (Mỹ) chỉ ra.
Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục trượt dài, theo tạp chí Diplomat, nhiều người trong giới chức Nga lo rằng nước này sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhà phân tích Alexander Gabuev, thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, nói với The New York Times: “Đây là mối quan hệ mang tính biểu tượng với nền tảng kinh tế nhỏ bé và bất ổn”.
Dù báo cáo của Stratfor Global Intelligence “vớt vát” rằng Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Nga (sau Pháp) với đầu tư trực tiếp vào Nga năm 2014 tăng gấp 3 so với năm trước đó, song công ty này dự đoán: “Về dài hạn, Trung Quốc là một trong những đối tác hàng đầu của Nga nhưng sẽ không nhanh và lớn như Moscow mong đợi”. Còn trong ngắn hạn, Chủ tịch Nhóm Âu Á (Mỹ), ông Ian Bremmer, nói với đài NBC rằng Nga sẽ ngày càng phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, dẫn đến những ảnh hưởng về chính trị.
Bình luận (0)