Nói như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, những gì cần phải làm là tăng tốc sản xuất và bảo đảm phân phối an toàn, hiệu quả vắc-xin cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nỗ lực mua vắc-xin Covid-19 chưa đạt được gì đáng kể.
Gần đây nhất, tờ Bangkok Post đưa tin chính phủ Thái Lan đang đàm phán với các công ty dược để mua được vắc-xin ngừa Covid-19 thế hệ mới, được bào chế chống lại các biến thể như Delta hiệu quả hơn.
Trước đó, ngày 16-7, Viện Vắc-xin Thái Lan cho biết đang trao đổi về việc mua vắc-xin mới với hãng dược Mỹ Novavax. Chính phủ Thái Lan đang đặt hàng vắc-xin Moderna từ Zuellig Pharma, nhà nhập khẩu duy nhất của loại vắc-xin này, để bán cho người dân thông qua các bệnh viện tư.
Để có thêm vắc-xin, Giám đốc Viện Vắc-xin quốc gia Nakorn Premsri cho biết Thái Lan đang trong quá trình tham gia Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19 (viết tắt là COVAX). Ông Nakorn hy vọng Thái Lan sẽ có thể nhận được vắc-xin từ COVAX vào quý đầu năm tới.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo việc tiêm chủng mở rộng sẽ chỉ hoàn tất vào năm 2022 hoặc 2023, hoặc thậm chí là 2024 Ảnh: Reuters
Trước đây, người phát ngôn chính phủ Anucha Buraphachaisri từng nói "mua vắc-xin trực tiếp từ các nhà sản xuất là một lựa chọn thích hợp vì nó linh hoạt hơn". Nhưng điều đó không dễ. Bởi lẽ, các nhà sản xuất vắc-xin đang bảo vệ lợi ích của mình.
Sau khi cung cấp vắc-xin cho Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phát triển khác, nhà sản xuất bắt đầu ký hợp đồng với nhiều nước đang phát triển. Hợp đồng được giữ bí mật và ký với chính phủ các nước, một số hợp đồng được ký kết thông qua bên thứ ba.
Để tránh việc bồi thường hàng tỉ USD nếu vắc-xin gây nguy hiểm cho bệnh nhân, hợp đồng có yêu cầu các nước đang phát triển phải đồng ý trả chi phí pháp lý và bồi thường cho nạn nhân nếu vắc-xin gây biến chứng.
Mặc dù hàng trăm triệu vắc-xin đã được phân phối trên toàn cầu nhưng số vắc-xin này không được phân tán đồng đều giữa các nước. Một số quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ giải thích rằng việc phân phối vắc-xin cho nước khác thực tế khá phức tạp vì Washington xem vắc-xin ngừa Covid-19 là vấn đề thuộc an ninh quốc gia và phải thông qua Bộ Ngoại giao.
Mỹ có chính sách nghiêm trong kiểm soát xuất khẩu một số nguyên liệu thô phục vụ sản xuất vắc-xin. Theo Bloomberg, chính điều này khiến các điểm nóng dễ bị tổn thương do Covid-19 trên khắp thế giới phải đối mặt với thách thức lớn trong chương trình tiêm chủng do thiếu nguồn cung vắc-xin.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới và là đầu mối cung ứng chủ chốt cho sáng kiến COVAX - liên tục gặp phải nhiều vấn đề, từ lệnh cấm xuất khẩu cho tới vụ hỏa hoạn tại cơ sở sản xuất, làm giảm khả năng cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19.
Chính ông Albert Bourla, CEO của công ty dược Pfizer, cũng xác nhận nút thắt trong sản xuất vắc-xin đối với bất cứ ai, kể cả Pfizer, không phải là bản quyền mà là thiếu nguyên liệu thô.
Nói về quá trình thương lượng mua bán vắc-xin, ông Albert Bourla chia sẻ với tạp chí Fortune: "Tôi tránh, không tham gia thương lượng trực tiếp, chúng tôi có sẵn quy trình cho chuyện này. Chúng tôi xây dựng chính sách giá theo thang bậc. Nếu là nước thu nhập cao - như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản - giá vắc-xin sẽ tương đương một bữa ăn. Nếu là nước thu nhập trung bình, giá sẽ bằng một nửa và nếu thu nhập thấp, giá sẽ phi lợi nhuận. Chúng tôi thông báo rõ cho tất cả chính phủ, sau đó những ai quan tâm thì tham gia đàm phán".
Bình luận (0)