Lô cổ vật này thuộc di chỉ núi Đại Bảo Tử, huyện Lễ, thành phố Lũng Nam, tỉnh Cam Túc. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, nạn trộm mộ hoành hành ở nhiều địa phương Trung Quốc khiến những cổ vật này bị tuồn ra nước ngoài. Theo chính quyền Cam Túc, nhà khảo cổ nổi tiếng Hàn Vĩ là người đầu tiên phát hiện lô cổ vật trên “tái định cư” ở Pháp.
Chặng đường để lô cổ vật trở về Trung Quốc thật gian nan. Từ giữa những năm 2000 đã nổ ra tranh cãi về nguồn gốc của chúng. Mất gần 10 năm trời, một cuộc điều tra chung của chuyên gia 2 nước mới được tiến hành hồi năm ngoái, theo Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông Pháp Fleur Pellerin.
Sau nhiều phương pháp đối chiếu, nhóm điều tra kết luận thành phần trong thổ nhưỡng, chu sa và bùn trên các cổ vật hoàn toàn tương đồng với di chỉ các ngôi mộ cổ ở núi Đại Bảo Tử.
Khách tham quan 32 đồ trang trí bằng vàng vừa được trao trả ở Viện Bảo tàng tỉnh Cam Túc
vào tuần trước. Ảnh: CHINA DAILY
Bình luận về việc trao trả cổ vật, Đại sứ Pháp tại Trung Quốc Maurice Gourdault-Montagne tin rằng giao lưu văn hóa luôn là “nền tảng quan trọng giữa 2 nước”. Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm của 2 nhà sưu tập đồ cổ Pháp Francois Pinault và Christian Deydier, những người nắm giữ số cổ vật trước khi hiến tặng cho chính phủ Pháp hồi tháng 4 và tháng 5 qua.
Hai nhà sưu tập không hài lòng trước hành động trao trả của chính quyền Pháp. Ông Deydier chỉ trích quá trình trao trả không đúng quy trình pháp lý, không trân trọng thịnh tình của nhà sưu tập khi họ tặng cổ vật. Thậm chí, ông còn ví đó là “vụ xuất khẩu không kèn trống”.
Năm ngoái, Bảo tàng Nghệ thuật KODE của Na Uy trao trả 7 cột đá cẩm thạch trắng cho Di Hòa viên tại Bắc Kinh, vốn bị cướp phá vào năm 1860, sau khi một tỉ phú Trung Quốc đưa ra giá 1,6 triệu USD.
Bình luận (0)