Phú Yên là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập Câu lạc bộ (CLB) UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên nhằm giúp các thành viên hạn chế bị lừa mua nhầm hàng giả.
Học phí trả bằng vàng
Giới chơi cổ vật luôn nhắc nhau câu chuyện học giả Vương Hồng Sển một lần lỡ tay làm vỡ chiếc bình quý, lộ ra chất liệu bên trong mới vỡ lẽ cổ vật lâu nay ông nâng niu là hàng giả. Vì thật, giả lẫn lộn nên chuyện lừa bịp nhau trong giới buôn đồ cổ là chuyện thường tình. Thậm chí, có tay buôn N.V.H ở Phú Yên đã hóa ngây dại vì một lần bị bạn bè lập mưu lừa gạt.
Kho cổ vật tư nhân của ông Đoàn Phước Thuận tại tỉnh Phú YênẢnh: HỒNG ÁNH
Hơn 15 năm trước, ông H. mua được chiếc bình cổ đời Thanh với giá 5 triệu đồng (một lượng vàng thời bấy giờ). Mừng rỡ, ông mang về khoe với bạn bè trong giới buôn đồ cổ, liền bị bạn xì xầm là hàng giả. Bán tín bán nghi, ông mang chiếc bình đến tay buôn đồ cổ sừng sỏ hơn và cũng bị chê đích thị hàng dỏm. Năn nỉ để lại chiếc bình cho tay buôn lớn ấy với giá 3 triệu đồng để lừa người khác, ông H. chịu lỗ trở về.
Sau hơn 1 tháng, ông H. nghe tin chiếc bình đích thực là đồ cổ, tay buôn kia đã bán với giá 20 lượng vàng. Những người ban đầu chê chiếc bình ấy là giả cũng được chia tiền. Uất nghẹn, ông H. trở nên ngơ ngẩn, rồi mắc chứng tâm thần.
Ông Đoàn Phước Thuận (65 tuổi; ngụ phường 4, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; Chủ nhiệm CLB UNESCO) cũng từng bị lừa hụt. Lần ấy, ông nghe tin một người rà phế liệu vừa tìm được một vật cổ còn bám đầy đất nhưng không biết thứ gì. Ông lặn lội tìm đến mua với giá nửa cây vàng nhưng cũng không dám tin chắc là đồ cổ.
Ông khoe với các tay buôn đồ cổ thì tất cả cười ồ rằng ông đã mua nhầm đồ hàn thiếc của thợ rèn. Giận vì mình bị lừa, ông mang búa ra đập trước mặt bạn bè. Lúc này, chất liệu rất sáng bên trong mới dần lộ ra. “Dùng hóa chất tẩy rửa thì đúng là một gương đồng cổ còn nguyên vẹn. Chút nữa thôi thì tôi đã vứt đi rồi!” - ông kể.
Bước vào thế giới đồ cổ, không ai là không ít nhất một lần mua nhầm đồ giả. Ông Nguyễn Danh Hạnh, một cán bộ mê đồ cổ của Trung tâm Quản lý các di tích - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, đúc kết kinh nghiệm: Có mua nhầm rồi mới sáng ra, tự rút kinh nghiệm, tự học hỏi để đỡ nhầm. Học phí không nghề nào cao bằng nghề này, người ít dăm cây, người nhiều đến cả trăm cây vàng.
Theo ông Hạnh, đồ giả cổ có nhiều dạng. Đồ giả cổ do người Việt ngày nay làm còn dễ nhận ra nhưng đồ do người Việt xưa hay người Trung Quốc bây giờ làm giả thì nhiều dân chơi, dân buôn phải khóc ròng. Biết một món đồ nào đó đang quý hiếm trên thị trường đồ cổ, có những con buôn lặn lội qua tận Trung Quốc, tìm đến những lò gốm đặt làm giả. Ngay một số thợ gốm người Việt xưa cũng làm giả đồ thời Minh (Trung Quốc) để bán cho những trọc phú.
“Với dân đồ cổ, không ai dám vỗ ngực xưng tên rằng mình biết đâu là thật, đâu là giả” - ông Hạnh khẳng định.
Chào thua buôn lậu
Cổ vật không bao giờ có giá nhất định bởi phụ thuộc rất lớn vào sở thích của người chơi và uy tín, thương hiệu của người bán. Một cổ vật nếu người buôn bình thường rao bán có thể chỉ 100 triệu đồng nhưng nhà nghiên cứu sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn (TP HCM) rao bán có khi lên đến 1 triệu USD. Chính vì cổ vật vô giá nên tình trạng trộm cổ vật xảy ra nhiều.
Trong một bài viết về chiếc bình hoa mai quý thời điểm năm 1971 có giá lên đến 10 triệu USD của mình, học giả Vương Hồng Sển vừa căn dặn con phải biết trân trọng nhưng cũng không quên nhắc những tay đạo chích đừng thấy giá cao mà ham, bởi nếu vào được chỗ cất giấu bình thì cũng không thể lấy ra nếu không muốn đập vỡ.
Còn tại Phú Yên, vụ trộm cổ vật mới đây nhất xảy ra tại chùa Phước Long, xã Hòa An, huyện Phú Hòa vào giữa năm 2013. Chỉ một đêm, kẻ trộm đã lẻn vào chùa rinh đi 6 tượng Phật cổ bằng đồng niên đại trên 100 năm. “Tôi mê nhưng nghĩ rằng mình chưa đủ tuổi để chơi cổ vật. Rất nhiều cổ vật trước đây đã được thờ tự thì ít nhiều mang yếu tố tâm linh. Mình mang về mà bỏ bê là không được” - ông Hạnh chia sẻ.
Ông Hạnh cho rằng bởi Phú Yên từng là một thương cảng lớn của người Chăm, việc giao thương, buôn bán khá tấp nập nên hiện vẫn chôn giấu cả kho tàng cổ vật dưới lòng đất. Thời gian qua, người dân đã phát hiện khá nhiều nhưng nhà nước thu về không được bao, chủ yếu bị những người buôn lậu cổ vật mua và tẩu tán đi khắp nơi. Người dân xã Hòa An từng phát hiện một kho tiền cổ quý giá gần 100 kg nhưng khi cán bộ bảo tàng đến, họ đã bán cho tư thương gần hết, chỉ còn hơn 10 kg.
Như tay buôn đồ cổ T.V.K có tiếng ở Phú Yên, mỗi năm tiền vé máy bay đến các điểm mua bán phải trên 300 triệu đồng, hệ thống chân rết đến mấy chục người rải khắp cả nước. “Nhà nước làm sao nhanh chân hơn những người này được. Phát hiện món nào, họ mua trước hết!” - người nhiều lần sưu tầm cổ vật cho bảo tàng này chia sẻ.
“Nhất kỳ, nhì cổ”
Theo ông Phạm Phú Khánh (SN 1959; ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), không phải ai có tiền đều chơi được đồ cổ. Nhiều người mấy chục năm săn lùng cổ vật cũng chưa hiểu hết được giá trị của nó. Như những chiếc bình gốm từ thời nhà Nguyễn có những hoa văn khác nhau, mỗi nét vẽ của chính một nghệ nhân cũng khác nhau tùy vào giờ giấc, thời gian vẽ. Bên cạnh đó, đồ cổ trước hết phải đẹp rồi mới tính đến chuyện niên đại. “Những món đồ đến 2.000 năm tuổi nếu không mang giá trị thẩm mỹ thì cũng không sánh bằng món vài trăm năm nhưng lại đẹp. “Nhất kỳ, nhì cổ” là phương châm của giới chơi đồ cổ chúng tôi” - ông Khánh phân tích.
Kỳ tới: Mối lo của các bảo tàng
Bình luận (0)